Làng gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng , Xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội


Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Gốm Bát Tràng đa phần được sản xuất thủ công, thể hiện tài năng sáng tạo của người thợ. Lớp men trắng ngà, đục cùng kiểu vẽ hoa văn thiên về tả của gốm Bát Tràng được khách hàng đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Vì vậy, sản phẩm gốm cổ Bát Tràng có giá trị kinh tế rất cao, được lưu giữ tại một số bảo tàng trong nước và quốc tế.

Để tạo ra các sản phẩm gốm, trước tiên các nghệ nhân phải ngâm đất sét trong hệ thống 4 bể chứa ở độ cao khác nhau khoảng 3-4 tháng nhằm loại bỏ một số tạp chất, sau đó dùng đất sét để tạo hình cho sản phẩm rồi đem "ủ vóc" và sửa lại hình dáng cho hoàn chỉnh. Tiếp theo, sản phẩm được đem phơi, sấy trong lò sấy để tránh cong, vênh, nứt, vỡ rồi trang trí hoa văn. Người thợ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên sản phẩm các hoa văn họa tiết sao cho hài hòa với dáng gốm. Khi đã hoàn chỉnh, sản phẩm phải được làm sạch bụi bằng chổi lông rồi đem nung qua ở nhiệt độ thấp, sau đó tráng men. Kỹ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men, nhúng men, kìm men, quay men và đúc men. Khâu cuối cùng quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm là nung gốm trong lò theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ và khi gốm chín thì lại hạ dần nhiệt độ. Sau khi nung xong, các cửa lò được bịt kín để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội kéo dài 2 ngày đêm, sau đó mở cửa lò và để tiếp 1 ngày đêm nữa mới cho sản phẩm ra lò.

Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại, được chia thành các nhóm theo chức năng sử dụng là: gốm gia dụng, đồ thờ tự, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi, sáng tạo, các nghệ nhân Bát Tràng đã tạo nên một thế giới gốm sứ đủ màu sắc, đa dạng và sống động. Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác trên thế giới như liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Vào tháng 10/2004, chợ gốm Bát Tràng bao gồm các gian hàng của gần 1.000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gốm sứ đã được khai trương trên khuôn viên rộng hơn 5.000m². Không chỉ là nơi trưng bày và buôn bán giao thương, chợ gốm còn trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Bát Tràng còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đình, đền, chùa. Những công trình kiến trúc này cùng với sản phẩm gốm sứ và người dân Bát Tràng thân thiện, mến khách đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên.