Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Công trình Lăng được khởi công xây dựng ngày 02/9/1973 và khánh thành ngày 29/8/1975. Nằm ở vị trí trung tâm Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo phương châm “dân tộc và hiện đại”, “trang nghiêm nhưng giản dị”. Cấu trúc Lăng chia làm 3 phần: Phần nền xây kiểu bệ tam cấp theo phong cách cổ truyền của kiến trúc Việt Nam; phần thân Lăng cả 4 mặt đều có cột để tạo ra các khoảng trống tựa như các gian của những ngôi nhà 5 gian ở các miền quê Việt Nam; phần mái Lăng hình vát giật tam giác gợi lên nét kiến trúc cổ kính đình chùa. Toàn bộ khối Lăng được kết cấu bằng bê tông cốt thép và ốp đá quý cả trong lẫn ngoài, mang dáng vẻ một bông sen đang hé nở. Trước Lăng là cột cờ Tổ quốc nằm trên đường Hùng Vương. Từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay đã có hơn 55 triệu lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài việc tổ chức lễ viếng, trước Lăng và Quảng trường Ba Đình còn diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước như các lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm các ngày lễ lớn và nhiều sinh hoạt chính trị, văn hóa như lễ báo công, lễ giao ước thi đua, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Lịch tổ chức viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày trong tuần Mùa nóng (từ ngày 01/4 đến ngày 31/10) Mùa lạnh (từ ngày 01/11 đến ngày 31/3 năm sau) Thứ Hai Không tổ chức Không tổ chức Thứ Ba Từ 07 giờ 30 đến 10 giờ 30 Từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00 Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu Không tổ chức Không tổ chức Thứ Bảy Từ 07 giờ 30 đến 11 giờ 00 Từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 30 Chủ Nhật Chú ý: - Từ 15/6 đến 15/8 hàng năm: Tạm ngừng tổ chức viếng để tiến hành tu bổ định kỳ. - Các ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9, mồng 1 Tết Nguyên đán, nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 2. Quảng trường Ba Đình Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình có khuôn viên rộng với nhiều ô cỏ lớn là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, xen giữa là lối đi rộng 1,4 m. Giữa Quảng trường là cột cờ Tổ quốc. Trước đây, Quảng trường là một khu vực nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng trường Tròn được đặt tên là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình. Tại đây, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên quảng trường là Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình. Từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày được bắt đầu vào lúc 6 giờ (mùa nóng từ 01/4 đến 31/10) và 6 giờ 30 (mùa lạnh từ 01/11 đến 31/3 năm sau) và Lễ hạ cờ diễn ra lúc 21 giờ. Trải qua bao biến cố lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm; là địa điểm thường xuyên được chọn để tổ chức các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm lớn mang tính lịch sử của đất nước. 3. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Với truyền thống đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ được xây dựng trên đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Nhà Quốc hội. Phương châm xây dựng "trang nghiêm, vững chãi, dân tộc, hiện đại”, phù hợp với các công trình trong khu vực. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 07/4/1993 và được khánh thành vào ngày 07/5/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ được xây dựng với kết cấu bê tông, cốt thép. Từ bốn phía nhìn vào, có thể hình dung đó là mái nhà của sự sống, phía trong có cổng hình bia. Hai hình ảnh đó được nối với nhau qua một mặt bia gợn sóng bằng đồng, gợi cảm giác về một sự lan toả, thể hiện công lao, sự nghiệp của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập nở hoa kết trái, một sức sống mãnh liệt, lan tỏa cho mọi người, mọi nhà và toàn thể dân tộc. Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ là một công trình quy mô có hình khối, đường nét kích thước hợp lý để cử hành nghi lễ trọng thể, nhưng lại dung dị, gần gũi với đời thường. Phía trước (đường Hoàng Diệu) là sân hành lễ rộng, có 3 bậc thềm, mỗi bậc thềm có 3 bậc nhỏ để dẫn lên đài lễ. Ba phía còn lại có các lối lên, xuống được xây thành từng bậc và có các lối dành cho người khuyết tật. Lịch tham quan: Nguồn: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh