Nỗ lực vươn lên của ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu
Tạo điểm nhấn cho du lịch Du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu được khai thác từ thời người Pháp, người Mỹ xâm lược nước ta. Hiện nay, dọc tuyến đường từ TP. Bà Rịa đi thị trấn Long Hải, huyện Long Điền vẫn còn lưu dấu những công trình nghỉ dưỡng phục vụ quan chức cao cấp của chế độ thực dân, đế quốc thời đó. Đất nước thống nhất, du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa được quan tâm. Đến năm 1991, khi Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập, địa phương này được Chính phủ cho phép thành lập riêng Sở Du lịch nhằm phát huy tiềm năng của ngành “công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế của địa phương. Ông Lê Văn Kháng, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giai đoạn 2000 – 2012 nhớ lại, thời điểm đó ngoài một số nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân thì toàn tỉnh chỉ có khoảng 40 khách sạn. Các loại hình du lịch vui chơi giải trí, thể thao, lữ hành, khu mua sắm hầu như không có. Mọi cơ sở vật chất đều từ thời Pháp, Mỹ để lại. Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đang lấy lại thương hiệu qua các lễ hội có điểm nhấn. Ảnh: Lưu Sơn "Sau giải phóng (1975) từ Đặc khu Vũng Tàu mới thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, địa giới hành chính thời kỳ đó chỉ có TP. Vũng Tàu và Côn Đảo. Lúc đó cơ sở hạ tầng gần như không có gì, đường sá thì từ thời Pháp, Mỹ để lại nguyên vẹn, như đường ở Bãi Trước nếu có 2 xe ngược chiều thì 1 xe phải dừng lại để tránh nhau. Lúc đó địa phương không có du lịch và dịch vụ". Xác định hạ tầng là tiền đề thu hút các nhà đầu tư du lịch, chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung xây dựng hàng trăm km dọc tuyến đường ven biển từ TP. Vũng Tàu đến huyện Bình Châu để kết nối các điểm du lịch trên địa bàn; kết nối du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu với Bình Thuận, TP.HCM và các tỉnh lân cận. Sau 30 năm, cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng, chất lượng và đa dạng về loại hình. Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những trung tâm du lịch, cụm du lịch như: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, Hồ Cốc, Côn Đảo. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.240 cơ sở lưu trú với hơn 26.750 phòng, trong đó có 170 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Trên địa bàn có 43 đơn vị tổ chức lữ hành nội địa và quốc tế, 255 cơ sở dịch vụ ăn uống, 85 cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm cùng hàng trăm cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khoẻ… Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ là điểm đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư du lịch trong nước mà còn của các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện, tỉnh có 130 dự án du lịch đang hoạt động, trong đó có 16 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 255 nghìn tỷ đồng. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để đạt được kết quả trên tỉnh đã có những chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư: "Đây là một trong những điều kiện tiên đề để bắt đầu cho giai đoạn mới là phát triển du lịch chất lượng cao. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên cho các dự án lớn, để tạo ra sản phẩm du lịch cao cấp, làm trung tâm cho tất cả dự án khác phát triển theo. Kể cả du lịch cộng đồng cũng phải nâng chất lượng lên để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách". Linh hoạt trong cơ chế để phát triển Là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại nguồn thu lớn nhưng so với thế mạnh, tiềm năng thì du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu chưa phát triển xứng tầm. Điều này được thể hiện rõ qua thống kê về số lượng khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đông vào cao điểm với công suất phòng gần 90% nhưng chỉ phục vụ khách ngắn ngày nên tính chung cả năm lượng khách lưu trú đạt thấp, lượng khách quốc tế chỉ chiếm 4 - 5%. Nhiều dự án du lịch cao cấp đã và đang hình thành ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lưu Sơn Ông Võ Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, tỉnh cần tạo ra sản phẩm có điểm nhấn và đổi mới liên tục để giữ chân khách du lịch: "Đón lượng từ 14 - 16 triệu khách/năm đối với tỉnh nhỏ như Bà Rịa – Vũng Tàu mà đạt được như thế là niềm tự tin và tự hào. Chúng ta cần thêm những điểm du lịch đặc sắc, còn nếu đơn điệu thì khách sẽ không duy trì ở đây lâu. Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu không cần sự đại trà nhưng cần có cái mới, lạ lẫm và cá biệt một chút thì khách đã tự đến với du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu". Lễ hội Nghinh ông Thắng Tam là điểm nhấn trong du lịch cộng đồng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lưu Sơn Để nâng tầm phát triển ngành du lịch, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoá 6 xác định chiến lược phát triển trong 10 năm từ (2020-2030), đó là: Tập trung xây dựng sản phẩm dịch vụ, hạ tầng du lịch. Hàng hoạt đề án, kế hoạch, chương trình hành động liên quan đến phát triển du lịch được các cấp ngành địa phương triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát 2 năm trở lại đây khiến nhiều kế hoạch bị đình trệ. Cùng với thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mạnh dạn và trở thành tỉnh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Bộ mở cửa du lịch. Giữa tháng 10, tỉnh cho phép 4 khu resort thí điểm đón khách du lịch ngoại tỉnh. Đến nay, sau hơn 1 tháng mở cửa du lịch, khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng tăng, có cơ sở đạt 100% công suất phòng vào 2 ngày cuối tuần. Thành công của Bà Rịa - Vũng Tàu là bởi từ tháng 8 và tháng 9 khi còn thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí đón khách, đánh giá mức độ an toàn tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có mong muốn tham gia chương trình đón khách khép kín. Từ đó, tỉnh này lập kế hoạch quảng bá, kích cầu để ngành du lịch sẵn sàng kích hoạt khi điều kiện cho phép. Dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến du lịch của địa phương, nhưng trong cái “nguy” Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhìn thấy đây là cơ hội để xây dựng chiến lược, kế hoạch để ngành du lịch sẵn sàng thích ứng với mọi tình huống. Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Lưu Sơn Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói: "Hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ngành du lịch đã nhận ra là cần phải chuyển mình. Từ công tác quản lý nhà nước chúng ta phải quan tâm đến các tình huống dịch bệnh để từ đó đưa ra định hướng phù hợp. Phải đưa ra các gói sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Khách đi du lịch phải được an toàn – khách được an toàn mới đáp ứng yêu cầu đi du lịch)". Đại hội Đảng bộ lần thứ XII của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định du lịch là ngành kinh tế trụ cột. Với những tiềm năng sẵn có cùng cơ chế linh hoạt, những nỗ lực vượt khó trong đại dịch, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới. Lưu Sơn/VOV TPHCM