Đến xứ Lạng, đừng bỏ qua những điểm dừng chân này

Đến xứ Lạng, đừng bỏ qua những điểm dừng chân này

Quần thể chùa - động Tam Thanh Chùa Tam Thanh được xây dựng từ thời nhà Lê, nổi tiếng với một pho tượng Phật A Di Đà màu trắng được tạc nổi vào vách đá có niên đại từ thế kỉ 15. Ngoài ra, chùa còn có hồ Âm Ti với làn nước trong xanh và muôn trùng nhũ đá có niên đại hàng nghìn năm. Danh lam nổi tiếng này đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1962. Chùa Tam Thanh. Ảnh: Wikipedia Động Tam Thanh là quần thể gồm 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong di tích chùa Tam Thanh. Quần thể các động này nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh, nằm ở lưng chừng núi. Đặc biệt, vách bên phải động vẫn lưu lại bút tích của các danh sĩ nổi tiếng như đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ và đại thi hào Nguyễn Du. Quần thể động Tam Thanh. Ảnh: @rensmx Núi Tô Thị Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, núi Tô Thị còn được gọi là núi Vọng Phu, do trên đỉnh núi có một tảng đá tự nhiên mang hình dáng một người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa, ngóng chờ chồng trở về. Núi Tô Thị đã đi vào ca dao và trở thành biểu tượng cho lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Núi Tô Thị biểu tượng cho lòng thủy chung của phụ nữ Việt Nam. Ảnh: dulich24.com.vn Núi Mẫu Sơn Mẫu Sơn bao gồm một quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn, nhỏ, nằm ở độ cao trung bình từ 800-100m so với mặt nước biển. Quần thể này nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt – Trung, và là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Tày… Do đặc thù về vị trí địa lý nên mùa đông ở Mẫu Sơn thường rất lạnh, có những lúc nhiệt độ xuống tới âm độ và xuất hiện băng tuyết. Bên cạnh đó, Mẫu Sơn còn nổi tiếng với các sản vật: chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu… Mùa đông Mẫu Sơn đẹp như tiên cảnh. Ảnh: Việt Hùng Đền Kỳ Cùng Đền Kỳ Cùng nằm ngay đầu cầu bên tả ngạn sông Kỳ Cùng, thuộc phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh, vị quan thứ năm trong Ngũ vị Tôn quan thời nhà Trần được cử đến trấn ải biên thùy. Phía trước đền là bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng Thạch Lộ) từng được đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ ca ngợi là một trong 8 cảnh đẹp của xứ Lạng từ thế kỷ 18. Bên ngoài đền Kỳ Cùng. Ảnh:nbt.162. Lễ hội đền Kỳ Cùng thường diễn ra vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội lớn nhất Lạng Sơn, được tổ chức nhằm tri ân công đức với các bậc tiền nhân và tạo không khí tươi vui phấn khởi đầu xuân. Đền mẫu Đồng Đăng Đền Mẫu Đồng Đăng (còn gọi là Đồng Đăng Linh Từ) là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử. Đền nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, cách cửa khẩu hữu nghị chừng 4km. Tương truyền, đây là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cảm động giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ Bất tử) và Trạng Bùng_Phùng Khắc Khoan, khi ông đi sứ Trung Quốc trở về. Đền Mẫu Đồng Đăng. Ảnh: gianganh.net Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, lễ hội Đồng Đăng lại được các dân tộc xứ Lạng tổ chức long trọng để cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc gia phồn thịnh. Chợ Kỳ Lừa Chợ Kỳ Lừa là phiên chợ đặc sắc có từ lâu đời, mang đặc trưng văn hóa dân tộc vùng cao. Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi trao đổi tâm tình, hỏi han chuyện làm ăn. Du khách đến đây có thể thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng xứ Lạng, tham gia hoạt động giao lưu văn hóa của người dân và mua những sản vật địa phương về làm quà cho người thân. Chợ Kỳ Lừa mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 Âm lịch. Chợ đêm Kỳ Lừa. Ảnh: foody.vn Dấu tích thành nhà Mạc Thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, là một quần thể kiến trúc quân sự phản ánh lịch sử phong kiến Việt Nam suốt từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17. Thành là căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam do Mạc Kính Cung xây dựng nhằm chống lại nhà Lê - Trịnh. Dấu tích thành nhà Mạc. Ảnh: tinmoitruong.vn Hiện nay, dấu tích thành nhà Mạc chỉ còn lưu lại khoảng 300 m tường thành kiên cố. Từ đỉnh núi trên tường thành, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh thành phố Lạng Sơn. Thung lũng Bắc Sơn Thung lũng Bắc Sơn trù phú nằm lọt giữa bốn bề núi đá vôi trùng điệp ở phía tây bắc tỉnh Lạng Sơn, góp phần điểm tô những dòng sông uốn lượn qua các đồng lúa trải rộng bạt ngàn... tạo nên một bức họa đồng quê quyến rũ đến mê hồn. Mùa vàng trên thung lũng Bắc Sơn. Ảnh: Anh Tuấn Bắc Sơn từng là căn cứ địa kháng chiến, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lẫy lừng những năm 1940. Thung lũng Bắc Sơn còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả một nền văn minh của người Việt cổ vào Sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Để ngắm được toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn, du khách phải chịu khó chinh phục đỉnh ngọn núi Nà Lay có độ cao 600 m. Hành trình khám phá "trấn doanh bát cảnh" của xứ Lạng chắc chắn sẽ để lại những trải nghiệm khó quên đối với bất cứ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất biên giới này. Ải Chi Lăng Ải Chi Lăng là một trong những ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ải mang hình bầu dục được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh (Cai Kinh) ở phía Tây và dãy núi Bảo Đài ở phía Đông. Nhìn từ trên cao, Ải Chi Lăng hiện lên với một thung lũng xanh rờn, xung quanh là những ngọn núi đá cao chót vót tạo nên một địa thế vô cùng hiểm trở. Ải Chi Lăng hiện lên như một bức tranh phong cảnh vừa uy nguy hùng vỹ vừa thơ mộng thân thương. Ai tìm về đó trong những chuyến du lịch mùa hè mới tận mắt chứng kiến được non cao sông rộng và một địa thế hiểm trở với những chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới, mới cảm nhận cái chất tình, cái khí thế hào hùng ẩn hiện trong tiềm thức.

Có thể bạn quan tâm:

  • Hơn 3000 khách Indonesia đến Đà Nẵng: tín hiệu mới cho du lịch sông Hàn
  • Nông Viết Toại - Nhà văn, nhà thơ của núi rừng Việt Bắc
  • "Chưa ăn bún quậy như chưa đến Phú Quốc!"
  • VITM 2019: Thuốc nam thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
  • Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020
  • Độc đáo các nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông
  • Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7: Nơi cội nguồn tri ân
  • Phú Thọ: Đưa vào sử dụng cầu đi bộ qua hồ công viên Văn Lang
  • Xây dựng Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn
  • Món ăn nổi tiếng, gây thương nhớ ở phố núi Pleiku