Độc đáo các nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông

Độc đáo các nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông

Lễ giải hạn “Tu shu” của dòng họ Lý dân tộc Mông trắng, ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai diễn ra trong dịp đầu năm mới, với sự tham gia của các thành viên trong dòng họ và bà con dân bản địa phương. Đây là một trong những nghi thức văn hóa tiêu biểu của đồng bào Mông tỉnh Lào Cai trong cộng đồng các ngành dân tộc Mông cả nước. Ông Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa và điện ảnh tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi mang đến một nghi lễ tương đối là nguyên bản và sâu sắc trong cộng đồng dân tộc Mông ở Lào Cai. Các nghệ nhân họ tự trình diễn và chúng tôi cảm nhận được đây là một tác phẩm hoàn chỉnh, chặt chẽ. Thấy được sự đa dạng, phong phú và sự tuyệt vời trong văn hóa dân gian của đồng bào Mông ở Lào Cai". Các lễ hội đồng bào Mông được tái hiện lại sinh động tại ngày hội Trong ngày thứ 2 của ngày hội, các trích đoạn lễ hội, nghi thức văn hóa tiếp tục được các đoàn trình diễn, tạo ra sự phong phú hấp dẫn và những nét đa dạng trong văn hóa dân tộc Mông. Điển hình như lễ hội “cúng cơm mới” của đồng bào Mông ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội nhằm bày tỏ tình cảm, sự biết ơn các đấng thần linh đã cho vụ mùa bội thu; cám ơn ông, bà, tổ tiên, những người  đã vất vả dạy cho đồng bào Mông biết làm nương, làm rẫy. Đồng bào Mông tin rằng những nét văn hóa của dân tộc mình sẽ được gìn giữ, lưu truyền Ông Ly Ly Pó, nghệ nhân đến từ huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trích đoạn trong phần lễ cúng cơm mới, tức là mỗi năm, khi tết đến xuân về, hết năm cũ để chuẩn bị đón năm mới thì người Mông làm được vụ mùa bội thu. Người dân phải làm lễ cúng như thế để cầu mong cho năm tới thu hoạch được hơn cả năm cũ mà bà con đã làm. Cầu cho tất cả thành viên trong gia đình làm ăn phát đạt, tấn tới và làm gì thì được đó và những điều đang cầu thì trở thành sự thật". Cùng với hoạt động tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông thông qua các trích đoạn lễ hội, ngày hội tiếp tục bày các sản phẩm văn hóa, du lịch, giới thiệu, quảng bá về loại hình cư trú, đặc điểm kinh tế, bản sắc văn hóa, nghề thủ công và sản phẩm nghề đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông của 11 tỉnh. Không gian văn hóa dân tộc Mông tại ngày hội Ông Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Cơ bản là những bản sắc trong văn hóa dân gian của đồng bào được chúng tôi can thiệp rất ít và hầu như không có tiết mục nào là can thiệp âm nhạc điện tử cả. Đồng bào tự diễn xướng, tự trình bày tất cả các nét văn hóa dân gian của đồng bào mình bằng chính các nhạc cụ, rồi sắc phục, những làn điệu dân ca dân vũ. Đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai mang về ngày hội muốn tạo nên một bản sắc và thể hiện bản sắc rõ nét đó tại ngày hội". Đến với ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III, được trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch; trình diễn giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc, đồng bào Mông thêm trân trọng những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình và sẽ gìn giữ và lưu truyền cùng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khắc Kiên / VOV Tây Bắc

Có thể bạn quan tâm:

  • Cao nguyên đá Đồng Văn
  • Về Bình Dương nếm thử món bánh bèo bì hơn 100 năm tuổi
  • Nghề đan giỏ lục bình
  • Đảo Nhất Tự Sơn
  • Kem Tràng Tiền - một nét văn hóa Hà Nội
  • Quảng Bình: Bất thường homestay 'đại hạ giá' 30.000 đồng/đêm
  • Trải nghiệm du lịch thú vị ở Singapore
  • Tục lạ ở Tà Hộc: Buộc chỉ cổ tay giữ vía không đi "lạc" về cõi âm
  • Chùa Khải Đoan
  • Rực rỡ sắc hoa đào núi tuyệt đẹp ở Sa Pa