Bên trong lò sản xuất lu thủ công cổ nhất ở Bình Dương
Lò lu Đại Hưng nằm ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; cách trung tâm TP Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía Bắc. Cái tên “lò lu” xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... dùng trong sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. Lò lu Đại Hưng là lò gốm cổ nhất đất Bình Dương, hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống với sản phẩm nghề đặc trưng. Đây cũng là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000 m2. Lò lu Đại Hưng có lịch sử gần 160 năm, trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều đời chủ. Có những quãng thời gian khó khăn, lò lu Đại Hưng tưởng như phải đóng cửa vì bị cho rằng gây ô nhiễm môi trường nhưng sau đó được giữ lại để bảo tồn nghề truyền thống. Tháng 10/2006, Lò lu Đại Hưng đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh. Sản phẩm của lò lu Đại Hưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, thiết thực với đời sống của những người làm nông – ngư nghiệp; là các loại lu, khạp, hũ... với nhiều kích cỡ. Trải qua thời gian cùng những thăng trầm lịch sử và những thay đổi của đời sống, xã hội; lò lu Đại Hưng vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, không sử dụng máy móc (trừ khâu làm đất). Mỗi ngày, trung bình, lò xuất xưởng khoảng 300 sản phẩm các loại. Lu, khạp sau khi nung xong phải đợi lò nguội mới tập kết ra bên ngoài. “Nhìn thì đơn giản vậy nhưng để làm được một cái lu có độ bền cao, không bị nứt sau khi nung thì đòi hỏi phải có kỹ thuật và cái tâm của người làm nghề”, nam công nhân lò lu Đại Hưng chia sẻ. Lu, khạp sau đó được tập kết gần bờ sông để các ghe thuyền dễ dàng vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Trong ảnh là người phụ nữ đổ nước vào lu để chuẩn bị cho chuyến giao hàng bằng ghe ở miền Tây. Đa số các sản phẩm này được tiêu thụ ở đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia. Sản phẩm lu, khạp… thường được người dân dùng để dự trữ nước sinh hoạt và hứng nước mưa. Theo danviet.vn