Trải nghiệm xứ sở thần tiên ở non nước Cao Bằng

Trải nghiệm xứ sở thần tiên ở non nước Cao Bằng

Là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc Việt Nam, Cao Bằng có vẻ đẹp thiên nhiên dịu dàng và phong phú, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và những nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc. Điểm ngắm cảnh Đèo Mã Phục. Ảnh: Hà Linh Đến Cao Bằng vào giữa tiết trời giữa thu, cảm nhận ban đầu là sự dễ chịu và khoan khoái trước cảnh vật hiền hòa. Dừng chân ở thành phố Cao Bằng một đêm, hôm sau chúng tôi khởi hành sớm. Lúc này, cảnh vật vẫn trong sương giăng càng dễ làm cho ta cảm giác bâng lâng đến lạ lùng. Trải rộng tầm mắt, non nước Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của một họa sĩ thiên nhiên với nét bút khoáng đạt với núi, sông, với hồ, thác và những con suối uốn lượn hiền hòa. Tuyến hành trình mà chúng tôi trải nghiệm nằm ở phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu tháng 4 năm 2018. Núi Mắt thần. Ảnh: Hà Linh Nơi dừng đầu tiên là điểm ngắm cảnh đèo Mã Phục và Mắt Thần Núi ở huyện Trà Lĩnh. Đèo Mã Phục dài khoảng 3,5 km là con đèo đẹp nhất ở Cao Bằng, còn Mắt Thần Núi thực ra là một hang thủng hình tròn đường kính 50 mét ở ngang lưng núi cao gần đó. Chị Thu Quỳnh, cán bộ Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cao Bằng kể: “Vào khoảng thế kỷ 11 có người anh hùng Nùng Trí Cao trong lần đánh trận trở về khi đi ngang qua nơi này thấy ở phía xa có các nàng tiên mời chào nghỉ ngơi. Dù cả người lẫn ngựa đều mệt nhoài nhưng chàng vẫn không dừng bước. Đi đến đoạn đường đèo hiểm trở án ngữ, con ngựa của Nùng Trí Cao đã khuỵu xuống vì kiệt sức. Từ đó, địa điểm này gọi là Mã Phục (ngựa nằm, quỳ). Với cung đèo uốn lượn rất đẹp, có 7 tầng, du khách có thể chụp ảnh tham quan và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh”. Đánh bắt cá trên sông Nặm Trá. Ảnh: Hà Linh Những cô gái Tày xinh đẹp. Ảnh: Hà Linh Dưới chân núi Mắt thần là hồ Nặm Trá có thác nước tuôn ào ào, đổ xuống dòng suối trong bao quanh bởi những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt xen lẫn là thảm hoa cỏ dại trắng, tím, vàng, đỏ vô cùng đẹp mắt. Rời Trà Lĩnh, qua tuyến đường đèo uốn lượn theo triền núi đá vôi, chúng tôi đến Trùng Khánh tham quan thác Bản Giốc - tuyệt tác thiên nhiên đã ưu ái ban tặng Cao Bằng. Đây là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới các quốc gia. Nằm sát đường biên giới Việt Trung, dòng sông Quây Sơn hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng lúa, rồi bất chợt đổ xuống thành thác từ độ cao khoảng 40 mét, qua nhiều bậc đá vôi tạo thành màn bụi nước trắng xóa, nhìn từ xa như những dải lụa trắng mềm mại. Ánh nắng mặt trời xuyên qua làn hơi nước tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo. Cảnh sắc thác Bản Giốc vào buổi chiều - màn bụi nước trắng xóa. Ảnh: Hà Linh Lần đầu tiên đến Cao Bằng, Nicolas Julien, du khách Bỉ thích thú chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam gần 1 tháng rồi nhưng ngày đầu lên Cao Bằng là thăm thác Bản Giốc. Thật không thể tin được vì vẻ đẹp của con thác này, như trong mơ vậy. Tôi còn biết mình đang ở đây, sát biên giới với Trung Quốc. Tôi thích được bơi ở đây và chèo thuyền kayark nữa cũng tuyệt vời." Tản bộ men theo những nương ngô, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài người dân tộc Nùng với nụ cười rất đỗi hiền hòa. Bác Ngân Hàng Giáo sống gần sông Nặm Trá cho biết nếu du khách đến Bản Giốc vào cuối mùa thu khi lúa chín vàng, nước xanh trong vắt thì còn đẹp hơn nữa: “Ồ đẹp lắm, nếu lần đầu về không biết đường đâu, phải nhờ dẫn đấy. Ở đây, có nhiều con thác nhỏ. Nước ở trên đổ xuống bình bình xem đẹp mắt lắm. Có hai con thác rộng nhất, nhiều đá to nhô ra nước đổ va vào nhau. Nước lên cao, xem cái dốc thác nó mới thích mắt. Giờ có nhiều khách du lịch đến lắm.” Gặp những người dân tộc Tày hiền hòa và thân thiện. Ảnh: Hà Linh Xuôi dòng Quây Sơn theo đường đèo khoảng 3km là động Ngườm Ngao, một trong những hang động đẹp nhất nước bởi hệ thống nhũ đá, măng đá tạo nên những khung cảnh sinh động vô cùng kỳ thú. Nếu thong dong, du khách có thể vãn cảnh chùa Phật tích Trúc Lâm và những điểm di sản lý thú như Đại dương cổ và Lục địa cổ gần đó. Theo đường tỉnh lộ 206, khoảng 4km, đi qua con suối nhỏ chúng tôi ghé thăm làng đá cổ Khuổi Kỵ của người Tày ở huyện Trùng Khánh. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá từ thời nhà Mạc (thế kỷ 17). Giữa không gian bao la trùng điệp, những ngôi nhà đá vững chãi, bền bỉ chở che những cư dân hiền lành miền sơn cước. Hiện nay, làng Khuổi Kỵ có 16 homestay phục vụ du khách trong nước và quốc tế khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa. Những ngôi nhà đá ở làng homestay Khuổi Kỵ xây từ thời nhà Mạc ( thế kỷ 17) Bác Nông Văn Phú làm homestay từ 5 năm trước cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi thay đổi khá hơn nhiều. Khi có khách đông, tháng được đến 10 triệu. Nhờ khách du lịch trong nước và nước ngoài nên cuộc sống cải thiện hơn. Địa phương mới đây hỗ trợ thêm 40 triệu làm nhà vệ sinh. Sau này, các gia đình sẽ vận động nhau trồng thêm cây cảnh, trồng hoa dọc bờ suối, thả cá cho đẹp nữa." Mô hình du lịch homestay giúp làm tăng thu nhập cho người dân bản địa Tiếp cuộc hành trình, chúng tôi thăm làng rèn Phúc Sen ở huyện Quảng Uyên. Sản phẩm của làng nổi tiếng bởi độ sắc và bền hơn là hình thức. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Pắc Rằng, nơi có mỏ nước không bao giờ cạn với cánh rừng nguyên sinh, cảnh quan thanh bình. Đang đi giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, chúng tôi bắt gặp bản Phia Thắp bình yên và đẹp đến nao lòng. Khoảng 50 nóc nhà sàn của bà con người Nùng sống tụ hợp dưới chân núi Phà Hùng, xung quanh là những ruộng lúa ngô trù phú. Ngoài làm nông nghiệp, bà con còn có nghề làm trầm hương truyền thống và du lịch homestay. Cuộc sống dân giã yên bình quyện cùng trời mây non nước ở đây khiến người ta như sống chậm lại, lắng dịu tâm hồn để tận hưởng những phút giây thanh thản hiếm hoi. Làng Phia Thắp Cảnh sắc rất đỗi dịu dàng của Cao Bằng. Ảnh: Hà Linh Rời bản Phia Thắp về thành phố Cao Bằng cũng là lúc trời nhá nhem tối, làn khói lam chiều từ các nếp nhà sàn nhẹ nhàng quyện cùng mây trời non nước dường như muốn níu giữ du khách, mời gọi khám phá những giá trị tiềm ẩn về tự nhiên và văn hóa của miền sơn cước này. Và tôi tin rằng, đó chắc chắn sẽ là trải nghiệm không thể nào quên với bất cứ ai khi đến với vùng non nước nơi biên ải phía Bắc của Tổ quốc này. Hà Linh/vovworld.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Độc đáo món “Vêch” của người Êđê ở Đắk Lắk
  • Vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ Nam Định
  • Du Xuân non nước Cao Bằng
  • Mùa Vàng trên vùng biên giới Sì Lở Lầu
  • Khách sạn Ravatel
  • Vườn quốc gia Xuân Sơn
  • Khám phá hang động kỳ vĩ có sự tích chim phượng hoàng hóa đá
  • Đề nghị tạm dừng hoạt động đánh phết tại lễ hội phết Hiền Quan 2020
  • Bảo tàng Đà Nẵng bảo tồn di sản văn hóa thời công nghệ số
  • Cơn sốt đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn