Bảo tàng Đà Nẵng bảo tồn di sản văn hóa thời công nghệ số
Trong thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế, những giá trị di sản đang dần mai một và biến dạng, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách để dung hòa giữa giao lưu phát triển và giữ gìn, phát huy di sản cha ông. Hiện nay, bên cạnh công tác số hóa dữ liệu, bảo tàng Đà Nẵng còn ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh, giúp công tác sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố Đà Nẵng ngày càng hiệu quả. Bảo tàng Đà Nẵng áp dụng giải pháp công nghệ số hướng đến sự tiện ích đối với du khách tham quan .(Ảnh: Trần Lê Lâm) Từ đầu năm nay, ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể Đà Nẵng ở Bảo tàng đang trở thành điểm đến thường xuyên của các nhà nghiên cứu, khách du lịch, sinh viên, học sinh. Ngân hàng dữ liệu này được coi là một kho lưu trữ dữ liệu sống động về di sản văn hóa của Đà Nẵng trên nền tảng công nghệ tin học. Từ khi đi vào hoạt động, ngân hàng đã phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của mọi đối tượng. Bạn Võ Nguyễn Phùng Yến, sinh viên trường Đại học Duy Tân cho biết: "Tôi tới đây tìm hiểu một số di sản văn hóa của Bảo tàng để bổ trợ thêm cho công việc của mình sau này. Ở đây có hơn 3.000 tập dữ liệu, đủ các hình ảnh, file ghi âm và một số bài viết cung cấp thêm thông tin cho việc học tập". Bảo tàng Đà Nẵng còn áp dụng giải pháp công nghệ số hướng đến sự tiện ích đối với du khách tham quan. Hiện nay, bên dưới những bức tranh hay hiện vật, không còn những chú thích, câu từ dài dòng mà thay vào đó là những mã QR nhỏ. Bạn Nguyễn Thị Lan, du khách ở Hà Tĩnh cho biết, khi tới đây, chỉ cần dùng một chiếc điện thoại thông minh quét vào mã QR, là có thể nghe thuyết minh của gần 600 tư liệu, hiện vật bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Du khách chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR dưới các hiện vật là có thể nghe thuyết minh bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. (Ảnh: Trần Lê Lâm) Đà Nẵng có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trong hệ thống dữ liệu di sản văn hóa tại Bảo tàng Đà Nẵng, hiện đang lưu trữ hơn 3.500 tưu liệu về văn hóa phi vật thể của thành phố ở dạng ghi chép. Trong thời gian tới, với việc triển khai số hóa định dạng 2D và 3D toàn bộ hệ thống di tích văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành thố Đà Nẵng, thì ngân hàng này được xem như bản đồ googlemap mở đầu tiên trên cả nước về di tích, di sản. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Việc ứng dụng công nghệ tin học đang góp phần lưu trữ bảo tồn một cách khoa học những văn hóa vốn quý của cha ông: "Đây được xem như một ngân hàng dữ liệu nhưng đồng thời cũng được xem như một bản đồ googlemap, bản đồ du lịch về các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh Đà Nẵng. Ngân hàng này vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu vừa phục vụ cho du lịch, bảo tồn, bảo lưu, phát huy, phát triển di sản mang tính bền vững hiện nay và cho mai sau"./. Phương Cúc/VOV-miền Trung/VOV.VN