Thủ Sỹ - Ngôi làng có nghề đan đó hơn 200 năm
Từ bao đời nay, nông nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Bên cạnh việc cấy cày, người nông dân cũng tăng gia sản xuất, đánh bắt con cá con tôm để thêm kế sinh nhai. Trong quá trình sản xuất của mình, người nông dân đã sáng tạo ra nhiều loại công cụ, trong đó có thể kể đến đó, rọ để bắt cá tôm. Làng Thủ Sỹ yên ả với những nếp nhà thâm trầm và cuộc sống mộc mạc, thanh bình - một ngôi làng đậm nét Bắc Bộ như bao ngôi làng khác. Nhưng ở đây có một điều khác biệt, đó là người nông dân cũng đồng thời là người thợ khéo tay. Rời tay cuốc, tay liềm, họ lại cầm trên tay những chiếc nan để đan đó, đan rọ phục vụ cho việc đánh bắt cá tôm. Bà Phạm Thi Bạ, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên chia sẻ: "Ngày bé thì học đan cái cổ, cái xoáy, dần dần lớn lên là biết đan thành thạo, biết chẻ nan, bố mẹ dạy chẻ, dạy đan." Để đan một chiếc đó, không đòi hỏi kỹ thuật quá cầu kỳ, nhưng cần phải kiên trì, khéo léo, tỉ mẩn. Đầu tiên là phải có nguyên liệu bằng tre hoặc nứa già, pha theo khổ phù hợp. Sau đó, tre nứa được chẻ ra, cái làm khung, cái vót nan, cái làm khoáy. Nan thì có nan suốt dài từ đuôi đến miệng đó, nan so le dài từ gần miệng hoặc đuôi đó đến hết đầu bên kia. Chẻ nan phải chú ý chẻ đều, mỏng. Một số loại nan sau khi chẻ xong được phơi khô và hun khói để tạo độ bền và lên màu nâu cánh gián đẹp. Hun khói cũng có nhiều cách hun. Hoặc là hun nan hoặc là gác đó thành phẩm lên bếp. Khi hun cũng phải chú ý hun đều để màu sắc đồng nhất. Nan hay đó thường được hun bằng rơm, lửa không được bùng, phải hun ba lửa mới được. Ông Lương Sơn Bạc, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cho biết: "Quá trình hun đòi hỏi cái khói mà lửa không bốc lên được, khói phải đủ độ dày. Và thêm nữa là nan phải đưa đi đưa lại cho đều tay thì màu của đó mới đẹp được." Sau khi chẻ nan xong, bắt đầu tiến hành đan khoáy, hay còn gọi là khung. Khoáy cũng là một loại nan, được chẻ nhỏ nhưng dày hơn. Khung thường được làm bằng đoạn tre hoặc nứa cật, uốn thành vòng tròn, tạo thành đoạn to nhất của đó. Đó được đan từ đoạn to đến nhỏ, là từ khung đến miệng, sau đó đan đoạn ngược lại, tạo thành một cái đó hoàn chỉnh hình tương tự hình bầu dục. Tùy theo tay nghề của người đan, thời gian để hoàn thành một cái đó khoảng 60 phút. Một cái đó được cho là tốt hay không, có dùng bền lâu hay không là do công đoạn đan khoáy. Ngoài ra, đan nan đều tay, cân đối sẽ góp phần tạo nên chiếc đó đẹp. Ngoài đó, người dân làng Thủ Sỹ còn đan cả rọ tôm. Không giống như đan đó, rọ tôm được đan từ dưới lên. Nan dùng để đan rọ phải được chẻ dày hơn. Trong quá trình đan, dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi. Qua đôi bàn tay khéo kéo của người dân Thủ Sỹ, những thanh tre, nứa trở thành những nông cụ cần thiết, phục vụ cho việc cuộc sống. Tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng nhiều lão nông yêu cái nghề đan đó ở Thủ Sỹ vẫn một lòng đau đáu mong sao gìn giữ được nghề truyền thống này của làng mình. Ông Lương Sơn Bạc chia sẻ: "Tôi phấn đấu làm sao kể cả đến trăm tuổi vẫn giữ cái nghề đan đó này, bởi vì tôi rất yêu cái nghề được truyền đạt lại từ đời cha ông, cụ, kỵ, cho nên không thể để nghề phụ này phai mòn, mất đi được." Mỗi năm, Thủ Sỹ cung cấp hàng trăm nghìn chiếc đó cho các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương. Những chiếc đó này thay người dân Thủ Sỹ khẳng định sức sống nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống dù hiện tại đã có nhiều công cụ đánh bắt hiện đại. Huyền Trang - Hoàng Thuyên / Vietnam Journey Mời quý độc giả xem các chương trình đã phát sóng về các làng nghề độc đáo của Việt Nam tại đây.