Quảng Bình: Hướng đến mở cửa đón khách tham quan du lịch khép kín, 'du lịch xanh'

Quảng Bình: Hướng đến mở cửa đón khách tham quan du lịch khép kín, 'du lịch xanh'

Từ đầu năm đến nay, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình gần 550.000 lượt, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình mới bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, đang còn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch đại trà chưa mở cửa, việc đi lại giữa các địa phương còn hạn chế. Chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới, tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các doanh nghiệp du lịch chủ động sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường các cơ sở lưu trú, sẵn sàng triển khai các hoạt động du lịch. Đồng thời, lên kế hoạch đón, phục vụ du khách, phục vụ kinh doanh, chuẩn bị nhân lực và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng vắng bóng khách du lịch trong nhiều tháng nay Ông Hoàng Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn - Quảng Bình cho biết: “Kinh doanh khó khăn nên nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm hiện nay chúng tôi không có tiền để nộp. Đề nghị tỉnh xem xét can thiệp với các ngành để khoanh lại phần nợ này, giãn phần nợ trong thời gian đó. Đề nghị tỉnh có thêm chế độ khuyến khích các cơ sở quản lý khu du lịch, điểm đến để giảm giá sâu nhằm thu hút khách”. Từ ngày 1/10, tỉnh Quảng Bình đề nghị các doanh nghiệp bán các tour trọn gói du lịch Quảng Bình. Tỉnh sẽ ban hành hướng dẫn du lịch an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ sở lưu trú đón khách theo các chương trình tham quan du lịch khép kín được UBND tỉnh cho phép. Theo đó, các cơ sở phục vụ khách lưu trú có thẻ xanh và thẻ vàng Covid-19 được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, khách có thẻ vàng phải kèm kết quả test nhanh âm tính SARS-CoV-2. Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ sở lưu trú nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ, hiện nay tiến độ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ làm du lịch tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn chậm, điều này ảnh hưởng đến việc mở cửa đón khách du lịch trở lại. “Ưu tiên tiêm đủ tiêu chuẩn 2 liều vaccine cho chủ quản lý, người lao động, người nhà của người làm du lịch. Nếu mở cửa đón khách du lịch thì khách yêu cầu họ được an toàn từ khâu dịch vụ, người làm phục vụ. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã cạn nguồn, đề nghị 1 chính sách ưu đãi với lãi suất thấp để doanh nghiệp trang cấp lại trang thiết bị ở cơ sở lưu trú, đào tạo lại nguồn nhân lực.” Ông Kỳ chia sẻ thêm. Tỉnh Quảng Bình xác định kế hoạch phục hồi du lịch chia làm 2 giai đoạn, từ nay đến hết tháng 12 năm nay và từ 1/1/2022 đến 31/12/2023. Trong giai đoạn 1, tỉnh Quảng Bình tập trung sửa chữa, nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái “bình thường mới”. Giai đoạn 2, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới. Tu sửa, tôn tạo và nâng cấp các nhà hàng, khách sạn, các điểm đến chuẩn bị phục vụ khi du lịch mở cửa đón khách trở lại Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh hướng tới du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, chú trọng “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước, trước mắt hướng đến đón khách nội địa, nội tỉnh, nhóm khách nhỏ lẻ, khách gia đình. “Chúng tôi sẽ có kế hoạch để xây dựng đề án dựa theo đề xuất của các doanh nghiệp để có phương án mở cửa từng bước, từng sản phẩm du lịch đảm bảo an toàn. Việc mở cửa đón khách du lịch sẽ đảm bảo du lịch xanh, du lịch an toàn đối với du khách, tiếp tục xây dựng Quảng Bình là điểm đến an toàn và khác biệt”. Ông Phong nói. Các khu nghỉ dưỡng, resort, điểm lưu trú tại tỉnh Quảng Bình vắng bóng khách du lịch Lãnh dạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Du lịch đánh giá kỹ tình hình thực tiễn để xây dựng phương án phục hồi hoạt động du lịch. Tỉnh Quảng Bình cũng sớm ban hành văn bản quy định về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong giai đoạn phòng, chống dịch mới, tranh thủ thời gian để đào tạo đội ngũ lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Về đề nghị giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch, tỉnh tiếp thu và sẽ trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đánh giá đúng thực chất năng lực của doanh nghiệp, các phương án mở cửa du lịch phải xem doanh nghiệp là chủ thể để xây dựng kế hoạch phù hợp. “Đưa ra tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch mới, làm sao để đảm bảo an toàn cho khách du lịch vào, nếu được thì đồng bộ với hướng dẫn tạm thời của Chính phủ sắp tới để có cách ứng xử linh hoạt hơn. Đối với các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19 thì tỉnh sẽ đảm bảo tất cả chính sách trong các quyết định của Trung ương sẽ được triển khai nhanh chóng nhất", ông Thắng nói. Thanh Hiếu / VOV Miền Trung

Có thể bạn quan tâm:

  • Bình Thuận: Lễ hội Cầu ngư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
  • Kon Tum: Cách ly, theo dõi hơn 4.700 người từ vùng dịch Covid-19 về
  • Hải Dương: Từ 0h ngày 18/9, các nhà hàng ăn uống được phục vụ tại chỗ
  • Chủ quán bún 'quậy' Phú Quốc tiết lộ cái tên lạ và bí kíp bán 200 bát/giờ
  • Một tuần cách ly không hề ngột ngạt của 106 người từ Hàn Quốc trở về
  • Kon Tum: Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đến các tỉnh phía Nam
  • Một ngày du ngoạn thành Nam
  • Trải nghiệm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao
  • Lễ hội "Con đường thổ cẩm” thu hút 2000 nghệ nhân, diễn viên tham gia
  • Các loại bánh nổi tiếng đất Hải Dương