Chủ quán bún 'quậy' Phú Quốc tiết lộ cái tên lạ và bí kíp bán 200 bát/giờ
Người Phú Quốc thường nói, bát bún "quậy" đầy đủ gồm mực, chả tôm, chả cá là món điểm tâm sáng nhất định phải thử, còn nếu chưa ăn thì chưa phải đến Phú Quốc. Bún "quậy" hay còn gọi bún tươi hải sản, bắt nguồn từ bún tôm Bình Định. Khoảng hơn 20 năm trước, người dân Bình Định vào Phú Quốc làm ăn đã mang theo món ăn này. Sau nhiều năm, món ăn được cải biến bằng những nguyên liệu sẵn có trên đảo Ngọc và thay đổi chút hương vị cho phù hợp văn hóa vùng miền. Bún "quậy" là món ăn nổi tiếng Phú Quốc Quán Kiến Xây, gần Dinh Cậu là một trong những nơi bán món này đầu tiên ở Phú Quốc. Những năm 2000 - 2012, đây vẫn là quán bún không tên, không biển hiệu, chủ yếu bán cho người dân địa phương. Hiện nay, quán bún "quậy" có tuổi đời 25 năm này đã trở thành địa chỉ khó có thể bỏ qua với du khách thập phương. Vào giờ cao điểm 8 - 10h sáng các dịp lễ, Tết, quán có thể bán 200 bát bún "quậy" chỉ trong 1 giờ. Lượng khách đông nên những dịp này, khách thường phải chờ 30 - 45 phút mới được thưởng thức bún "quậy" gia truyền. Đó cũng là lí do, quán ăn này còn được gọi tên là quán bún "chờ'. Quán bún gia truyền này bán hết 200 bát chỉ trong 1 giờ Có nhiều cách lí giải khác nhau về cái tên lạ bún "quậy". Nhiều người nói rằng, món ăn này được người dân Phú Quốc đặt tên là "quậy" vì phải ăn kèm nước chấm gồm bột canh, bột ngọt, đường, quất (tắc), ớt xay. Các nguyên liệu sau khi cho vào bát được quậy mạnh để sánh lại. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ quán bún "quậy" đông và lâu đời bậc nhất Phú Quốc, gọi món này là bún "quậy" bởi khi chế biến món ăn, ở các công đoạn đầu bếp đều quậy liên hồi. Ví dụ như miếng chả được quậy rồi ép vào thành tô, bún luộc cũng được quậy lên. Sau này thực khách được tận tay trải nghiệm thao tác quậy chén nước chấm. Những năm 2010 đổ về trước món bún này không ăn kèm nước chấm nhưng cái tên "quậy" đã có từ đó. Sau này, món bún "quậy" có thêm nước chấm để tăng độ thơm ngon Tại đây, các loại gia vị được đặt trong bát để thực khách "tự phục vụ" và trải nghiệm làm nước chấm theo ý thích riêng. Thông thường, để làm một bát gia vị, thực khách phải nhanh tay quậy và mất khoảng 5 phút. Trong các ngày đông khách, thực khách sẽ nhận một thẻ gọi đồ và tự phục vụ hầu hết mọi công đoạn, trừ làm bún. Một bát bún có giá dao động từ 35.000 - 75.000 đồng tùy kích cỡ và thành phần trong đó. Thông thường, một bát bún gồm một con mực trứng luộc, chả cá, chả tôm, hành xắt nhỏ và bún tươi. Mỗi bát bún có giá từ 35.000 - 75.000 đồng Theo chủ quán tiết lộ, để quán giữ chân thực khách và tạo nên thương hiệu gia truyền là nhờ khâu chọn lựa nguyên liệu kĩ càng. Phần bún tươi được làm từ bột gạo xay, ép khối, sau đó đưa vào khuôn. Gạo làm ra tới đâu sẽ được chần với nước sôi đến đó. Vì vậy, sợi bún mỏng, mềm, có màu trắng trong, vị giống như mì gạo ở miền Bắc. Phần bún tươi được làm từ bột gạo xay, ép khối, sau đó đưa vào khuôn Nước dùng của bún "quậy" không thêm nhiều các loại gia vị (trừ bột canh), thực phẩm có màu hay dầu mỡ mà chỉ gồm nước luộc bún tươi và nước luộc hải sản, có màu ngà ngà, không quá bắt mắt. Nguồn hải sản được chủ quán chọn mua từ ghe tàu đánh bắt ven biển mỗi ngày để tươi ngon, chất lượng nhất. Bát bún "quậy" có vị ngọt, dai của mực, chả cá, bún, hòa cùng nước dùng béo, đậm đà, thơm mùi tiêu xay Phú Quốc. Theo Dân trí