Nơi thời gian ngưng đọng
Hoài cổ cùng Sin Quán cà phê Sin là một địa chỉ quen thuộc của những người yêu không gian cổ kính. Quán nép trong một góc đường nhỏ ở phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An nhiều năm nay. Dù thời gian có trôi qua, cuộc sống có ồn ào thì Sin vẫn bình yên ở đó đợi những vị khách cần chút yên tĩnh trong không gian ấm cúng đến lạ thường. Quán mang đậm phong cách cổ điển với chất liệu gạch thô. Cà phê Sin mang đậm phong cách cổ điển với chất liệu gạch thô Bước vào Sin, ta cảm nhận ngay không gian đậm màu hoài cổ. Từ chiếc xe máy dựng gần lối đi đến chiếc đèn “ếch đa” treo trên tường đều gợi cảm giác mình đang trở về khoảng thời gian của rất nhiều năm trước. Mỗi một góc nhỏ của Sin đều được điểm xuyết bởi những món đồ cổ nho nhỏ và tinh tế. Khi là bộ bình trà trên chiếc bàn trong góc tường, lúc là cây guitar bình yên đứng bên chậu hoa nho nhỏ, lúc là chiếc nia đựng vài ba trái bắp khô cong treo gần lối đi. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để ly trà hay tách cà phê nóng thêm phần thi vị. Trong căn phòng nhỏ, cũng chính là không gian trưng bày chính của Sin, chúng ta dễ dàng nhận thấy nét hoài cổ đậm chất của quán cà phê này. Rất nhiều những món đồ cổ giá trị được chủ nhân bỏ công sưu tầm và trưng bày tại quán. Bộ máy ảnh cổ được lồng trong tủ kính đủ là cả một gia tài với người yêu đồ cổ. Phía góc phòng, chiếc đĩa hát hoa loa kèn như chờ đợi được phát một bản nhạc hay từ những năm 1980. Được biết, Sin hình thành từ sự ấp ủ của một người yêu đồ cổ, đặc biệt là xe cổ, nên không gian của quán ngập tràn những hình ảnh cổ vật, từ chiếc tivi, radio của thập niên trước đến chiếc cối xay bột và bàn ủi con gà gợi đầy kỷ niệm. Níu giữ chút Hà Nội xưa Nếu không phải là Sin, ta có thể tìm đến một không gian khác để cảm nhận thời gian đang lắng đọng, tìm về chút Hà Nội ở Tân An. Cabanon không phải là quán chuyên về đồ cổ, nhưng vì yêu thích sự hoài cổ, muốn níu giữ chút Hà Nội xưa mà chủ quán đã dành riêng một khoảng không gian để “tìm về quá khứ”. Khác với Sin, “căn nhà nhỏ” Cabanon gợi cho ta một cuộc sống vương giả của thế kỷ trước. Nơi chiếc rèm thưa thấp thoáng hình ảnh cô tiểu thư áo dài e ấp bên chậu loa kèn thoang thoảng đưa hương. Không gian được bài trí vừa sang trọng, vừa hoài cổ với gam màu nude chủ đạo. Từ chiếc điện thoại, tivi đến máy đánh chữ đều hằn dấu thời gian. Chị Linh (người Hà Nội) - chủ quán, chỉ nhận mình là một người trẻ hoài cổ, yêu nét đẹp hiền dịu, bình yên của những ngày xưa. Theo chị Linh, những hiện vật trang trí tại quán đều là vật dụng thật của nhiều năm về trước, có món vẫn còn sử dụng được. Không mang đậm nét cổ như Sin, nhưng Cabanon cũng là một địa chỉ “lưu giữ thời gian” với những vật dụng cổ được sưu tầm và trưng bày tại đây Căn nhà nhỏ Cabanon với nét riêng của mình trở thành địa điểm lui tới yêu thích của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những ai muốn tìm về chút “hương xưa” trong bộ sưu tập hình “sống ảo” của mình. Đó là một địa điểm đáng lưu ý nếu bạn cần chút yên tĩnh trong tâm hồn. Ngồi bên bức rèm thưa, trong không gian tĩnh lặng và sang trọng, nghe hương hoa loa kèn tỏa nhẹ sẽ là một lựa chọn rất đáng lưu tâm trong những ngày mệt mỏi muốn “bỏ đi xa”. Nơi lưu giữ “hôm qua” Tìm về quá khứ hay một chút bình yên sau những mệt nhoài thường là lựa chọn của nhiều người. Có người muốn “trốn” trong góc không gian yên tĩnh như Sin hay Cabanon, nhưng cũng có người thích tận hưởng cảm giác đó trong “chốn riêng tư” của mình. Anh Phạm Hoài Phong, ngụ phường 6, TP.Tân An, Long An hay chọn cách pha một bình trà, ngồi nghe điệu nhạc phát ra từ chiếc máy quay đĩa cũ và ngắm nhìn những món đồ nhuốm màu thời gian trong nhà mình. Anh Phạm Hoài Phong luôn thích cảm giác cuối mỗi ngày được bình yên ngắm nghía những “người bạn cao niên” của mình để nghe thời gian như dừng lại Tự nhận mình là “tay ngang” nhưng anh Phong cũng có thâm niên nhiều năm với thú vui sưu tầm cổ vật. Với anh, chiếc bàn ủi con gà nằm chỏng chơ trong góc nhà ai đó hay cái chân đèn cũ được gia chủ tặng cho cô ve chai luôn là những món đồ quý giá. Mỗi chiếc đồng hồ treo tường, bình hoa gốm hay bộ tách trà từng là đồ vật thông dụng của thế kỷ trước đều có một sức hút đặc biệt. Vẻ cổ kính kèm chút “quê mùa” của những món đồ ấy luôn mang lại cho anh cảm giác bình yên. Bởi thế, trong căn nhà nhỏ của mình, anh Phong dành một không gian khá lớn để trưng bày những món đồ sưu tầm được. Thỉnh thoảng, anh dành chút thời gian lau chùi, ngắm nhìn những “người bạn cao niên” bằng tất cả sự say mê. Chính anh Phong cũng không biết vì sao mình lại dành nhiều tình yêu cho thú vui sưu tầm đồ cổ. “Có lẽ là có duyên!” - anh mỉm cười chia sẻ, một cái duyên đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc để “níu lại” chút hương xưa, để “ngày hôm qua” không phải dần mai một. Phương Phương/ Báo Long An