Những ngôi nhà cổ trên đất nước Việt Nam
1. Căn nhà gỗ cổ hơn 300 năm tuổi ở Hà Nội Ngôi nhà cổ có niên đại trên 300 năm, ở làng Đông Ngạc, thủ đô Hà Nội. Đến nay ngôi nhà này vẫn còn giữ nguyên vẹn từ kiến trúc và các đồ vật dụng ngả màu thời gian. Ngôi nhà có niên đại từ thế kỉ 18, được dựng từ thời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 1760. Qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được tất cả các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa. Trước nhà tiền tế có các bức "Thiết thạch tinh trung", "Thượng đẳng phúc thần", bên trái là bức "Vạn phúc du đồng", bên phải là "Ngũ phúc lâm môn". Ngoài ra, còn có thêm hai bức Long mã thể hiện ý chí ngang dọc trời đất. Chính điện xưa có 5 gian thờ, giờ chỉ còn 3 gian. Gian chính giữa là thờ hai vợ chồng cụ Đỗ Đại Vương. Gian bên phải thờ thầy giáo của cụ Đỗ Đại Vương cùng các cụ tổ trên cụ Đỗ Đại Vương. Gian bên trái thờ cụ tổ thế hệ sau cụ Đỗ Đại Vương. Nơi đây đặt nhiều hương án, mâm đồng, kiệu, bia đá. 2. Nhà cổ 200 tuổi ở làng Lộc Yên Ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở làng Lộc Yên tỉnh Quảng Nam đã có niên đại gần 200 năm. Ngôi nhà này nằm cách thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam hơn 30km, ở lưng chừng một ngọn đồi, hướng về phía cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, và cao hơn những nhà trong làng khoảng 50m. Nhà rộng hơn 100m2, và làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng do những người thợ mộc làm trong suốt 12 năm trời. Mọi thứ nội thất và vật liệu trong căn nhà đều còn rất chắc chắn. Ngôi nhà nổi tiếng không chỉ vì đẹp mà còn gắn với giai thoại 2 lần Ngô Đình Diệm hỏi mua nhưng không được. Nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 4ha, phía trước ngôi nhà có bể cá, vườn cây cảnh. Bên trong nhà là những vật dụng cũ kỹ, từ bàn, ghế, phản, tủ đến cánh cửa, cột nhà,... nhưng vẫn còn chắc chắn. Ngôi nhà cổ mát lạnh vào mùa hè và ấm áp khi mùa đông, là nơi che chắn mưa bão của thế hệ trước và được thế hệ sau giữ gìn, bảo vệ. 3. Nhà cổ Bình Thuỷ, Cần Thơ Nhà cổ Bình Thủy được coi là ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây đã có trên 100 năm tuổi, được dùng làm bối cảnh của nhiều phim nổi tiếng. Nhà cổ Bình Thủy hiện thờ họ Dương, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 và tôn tạo lại vào giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà bề thế nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ. Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, bạn sẽ thấy một cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng "Phước An Hiệu". Nhà cổ Bình Thủy là sự kết hợp giao lưu văn hóa Đông - Tây, được thể hiện khá rõ nét qua nhiều họa tiết, hoa văn rất đẹp mắt. Nhà có vòm uốn và phù điêu ngoại thất kiểu Pháp, bậc thang kiểu Gothic dẫn đến sảnh chính, tất cả được trang bị bằng đồ gỗ nội thất quý ở miền Nam. Ngôi nhà nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Mỗi năm, ngôi nhà này tiếp đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu. 4. Nhà công tử Bạc Liêu Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, lúc đó đây là căn nhà to đẹp nhất Nam Kỳ lục tỉnh. Hơn một thế kỉ đã đi qua, nhưng ngôi nhà vẫn còn nguyên những nét cơ bản đẹp đẽ của nó. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự "P" rất hoa mĩ, chỉ rõ nơi xuất xứ là từ thủ đô Paris hoa lệ. Không những thiết kế sang trọng, rộng rãi mà đồ nội thất bên trong còn rất quý giá. Ngôi nhà có nhiều món đồ cổ quý hiếm khác nhau. Những chiếc bình, chiếc chậu được chạm trỗ tỉ mỉ, sắc nét với nhiều hoa văn tinh tế. Đặc biệt ngôi nhà còn lưu giữ hai chiếc giường mùa đông và mùa hè của Công tử Bạc Liêu giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy đã mất mát khá nhiều vật dụng nhưng những món đồ còn sót lại vẫn thể hiện sự sang trọng bậc nhất của Công tử Bạc Liêu bấy giờ. Trải qua hàng thế kỷ với bao biến cố của lịch sử hay thăng trầm của thời gian, Trước sức ép của đô thị hóa, nhiều công trình kiến trúc cổ vẫn mang mang nét đặc trưng và vẫn luôn tồn tại cho đến tận ngày nay. Lương Trang, theo baodulich.net.vn