Du lịch sinh thái - điểm đến hấp dẫn của Long An
Cảnh sắc thiên nhiên níu chân du khách Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 100km, với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, Làng nổi Tân Lập là lựa chọn quen thuộc với các bạn trẻ và du khách. Làng nổi Tân Lập tọa lạc tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, bên triền sông Vàm Cỏ Tây với hệ thống rừng tràm, sông rạch tự nhiên và đa dạng cảnh vật so với các vùng ngập nước khác của Đồng Tháp Mười. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khách tham quan bậc nhất tại Long An. Làng nổi Tân Lập có diện tích lên tới 135ha và vùng đệm 500ha đang được quy hoạch tập trung cho việc khai thác tất cả các hạng mục cần thiết phục vụ cho nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng. Vào mùa nước nổi, đồng ruộng xung quanh ngập chìm trong nước. Đứng trên cao nhìn xuống, Làng nổi Tân Lập tựa những chiếc bè xanh khổng lồ nổi bấp bênh trông như một quần đảo xanh thẳm giữa biển nước trắng xóa. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động về hệ sinh thái rừng ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười. Nghỉ chân dưới tán cây mát rượi, anh Trần Trung Nguyên, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Làng nổi Tân Lập, cũng là chuyến phượt đầu tiên cùng các bạn sau thời gian nghỉ dịch. Anh cảm thấy rất thư thái và thoải mái, cảnh sắc không khác so với những thông tin anh biết qua internet. “Khi được đến tận nơi, tôi rất ấn tượng về cảnh sắc thiên nhiên, cây cối, động vật đều mang vẻ hoang sơ. Chỉ cần ngồi trong không gian này, tôi cảm giác thoải mái và thư giãn. Bên cạnh đó, dịch vụ rất tốt, nhân viên thân thiện”, anh Trần Trung Nguyên chia sẻ. Làng nổi Tân Lập có nhiều điểm thú vị, hấp dẫn du khách với cung đường dài đến 5km đi xuyên rừng tràm với không gian tĩnh lặng, âm u khiến du khách cảm thấy vô cùng ấn tượng bởi sự hoang sơ. Ngoài ra, du khách được chiêm ngưỡng và check-in với cầu chữ X, chữ Y, được xuôi dòng theo những con ghe trên dòng kênh Rạch Rừng và sông Vàm Cỏ Tây; thăm đảo thuần dưỡng chim nằm sâu bên trong trung tâm rừng tràm, được chuyên gia chăm sóc và thuần dưỡng chim giàu kinh nghiệm kiến tạo thành một môi trường sống dưới nước nhiều cá và cây xanh trên đảo phù hợp, để dẫn dụ nhiều loại chim, cò trong tự nhiên quy tụ về đây sinh sôi nẩy nở, kết thành bầy đàn lớn… Nếu đi vào mùa nước nổi, du khách có thể leo lên tòa tháp quan sát cao 38 mét nằm giữa trung tâm rừng tràm, nơi mà mọi lúc đều có thể tận hưởng làn gió mát lạnh, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh rừng tràm và khu du lịch Làng nổi Tân Lập, ngắm nhìn cả khu vực rừng rộng lớn, kỳ vĩ. Phía xa hơn là vùng đồng bằng – đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, du khách sẽ thấy một cánh đồng nước trắng xóa, mênh mông với những đầm hoa sen và súng đan xen tuyệt đẹp. Khu du lịch sinh thái ở Long An Ông Phạm Ngọc Trí, Phó Giám đốc Khu du lịch Làng nổi Tân Lập cho biết, từ khi được mở cửa hoạt động, Khu du lịch đã dần có khách trở lại; hiện chủ yếu là khách lẻ và tập trung nhiều vào cuối tuần. Sau thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch, bên cạnh các dịch vụ tham quan cảnh sắc thiên nhiên, hay dịch vụ ban đêm như cắm câu, hiện khu du lịch đã đưa vào ao câu cá giải trí và 2 ao cá koi phục vụ khách tham quan. Tập trung xây dựng những điểm du lịch đặc sắc Theo các nhà kinh doanh du lịch, Long An là sự giao thoa giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Cách Thành phố Hồ Chí Minh không xa nhưng Long An có đầy đủ đặc trưng sông nước như rừng đước, rừng tràm… rất thuận tiện cho du khách. Long An có đầy đủ các sản phẩm du lịch của miền Tây sông nước miệt vườn, đặc sản cây trái, đờn ca tài tử, đặc biệt là du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười... Tiềm năng rất nhiều, tài nguyên thiên nhiên lớn, nhưng khó khăn là cơ sở hạ tầng, khách sạn, cơ sở lưu trú bảo đảm tiêu chuẩn, các loại hình từ trung cấp đến cao cấp còn thiếu nhiều. Do đó, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực để tiếp đón đoàn đông du khách còn rất hạn chế. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An cho thấy, đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 510 cơ sở lưu trú du lịch với gần 6.400 phòng, trong đó có 51 khách sạn, 2 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao với tổng số 59 phòng, một cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 sao với 10 phòng. Đây là hạn chế khiến du lịch Long An thường đón khách gần, ngắn ngày và chủ yếu du lịch quá cảnh. Cũng theo các công ty lữ hành, đường xá di chuyển từ thành phố Tân An về vùng Đồng Tháp Mười và giữa các điểm du lịch còn gồ ghề, xuống cấp, trong khi giữa các điểm du lịch không có tính kết nối nhau. Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, nơi có Khu du lịch Cánh đồng bất tận tọa lạc tại thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa là điểm nhấn đặc sắc của du lịch Long An, nhưng từ nhiều năm nay, giao thông vào đây vẫn là khó khăn lớn nhất. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười Dương Văn Toản cho biết, hiện xe 35 chỗ trở lên không đi được, du khách chỉ có thể vào bằng xe 25, 16 và 7 chỗ, những đoàn đông phải đi 2 xe khiến giá thành cao. Theo ông Dương Văn Toản, thực tế Ban Giám đốc Trung tâm chuyên môn về kinh tế, nhân viên chủ yếu kiêm sản xuất dược liệu và phục vụ du lịch, chưa có nhân viên chuyên về làm du lịch. Từ trước tới nay, tất cả sản phẩm du lịch ở đây chủ yếu tận dụng từ lợi thế thiên nhiên, hiện Trung tâm đang kết hợp với các công ty lữ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn phát triển thêm các sản phẩm du lịch phù hợp để phục vụ du khách. Đồng thời, biến khó khăn do dịch bệnh thành lợi thế, Trung tâm chú trọng phát triển mạnh hơn nữa sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe với các món ăn, bài thuốc từ cây dược liệu sẵn có trong rừng; đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm của trung tâm như tinh dầu, xông phòng khử khuẩn, sát khuẩn không khí có lợi cho sức khỏe. Du lịch sinh thái là điểm nhấn mà Long An đã khai thác từ lâu nhưng chưa có nhiều sản phẩm hoàn chỉnh. Chị Thúy Phương, huyện Châu Thành cho biết, chị tự hào về du lịch dược liệu chăm sóc sức khỏe ở Đồng Tháp Mười, ở đó chị có thể về với thiên nhiên, nghe nói chuyện về bảo vệ thiên nhiên và ăn những món ăn tốt cho sức khỏe. Chị cũng tự hào về những vườn thanh long quê mình, nhất là vào mùa hoa nở trắng rộ lung linh trên những mảnh vườn bạt ngàn. Mê du lịch, chị không ít lần khám phá cảnh sắc quê hương mình, qua đó chị mong muốn Long An phát triển mạnh du lịch nông thôn. “Nơi người ta có thể về với vườn cây, ao cá, chỉ cần được nghỉ ngơi, đi dạo và ăn những đặc sản quê mình. Được du lịch cùng gia đình, cùng với con trẻ - chính điều này cũng góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa địa phương”, chị Phương chia sẻ. Là công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến khai thác các sản phẩm du lịch tại Long An, anh Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cho biết: “Hiện Long An chỉ có khoảng dưới 10 điểm du lịch có thể đón khách tham quan. Tôi quan tâm và muốn tập trung vào loại hình trải nghiệm nông thôn để du khách tận hưởng cảm giác làng quê thanh bình, đạp xe trên con đường hai bên là cánh đồng lúa, uống nước dừa, hay vào vườn thanh long hái quả ăn và được nghe người dân ở đây chia sẻ về đời sống, sinh hoạt, sản xuất, văn hóa". Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, tỉnh sẽ từng bước xây dựng bài bản các loại hình du lịch, ưu tiên phát triển những điểm du lịch đặc sắc đã có trở nên chuyên nghiệp hơn. Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Công Thương xây dựng một thương hiệu cây trái mang đặc thù của Long An nhằm góp phần thu hút du lịch; tập trung đầu tư nâng cấp những tuyến đường giao thông liên quan, cụ thể năm 2022, dự án nâng cấp tuyến đường từ thành phố Tân An về vùng Đồng Tháp Mười với 4 làn xe sẽ được khởi công xây dựng. Cùng với các dự án hạ tầng giao thông kết nối Long An với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, giao thông kết nối nội tỉnh Long An đang được dốc sức triển khai. Tỉnh luôn có các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, dành nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư về thương mại, du lịch và dịch vụ. VOVTV / TTXVN