Ngày xuân hành hương về chùa Côn Sơn

Ngày xuân hành hương về chùa Côn Sơn

Cổng tam quan chùa Côn Sơn Chùa Côn Sơn nằm trên núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương,  là một ngôi chùa cổ có tuổi đời hơn 800 năm. Tương truyền nơi đây từng là nơi hun củi lấy than và từng xảy ra trận hỏa công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ thứ X, nên ngoài tên gọn Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân, hay núi Hun. Chùa được xây dựng lần đầu tiên năm 1304 với tên gọi Kỳ Lân. Đến năm 1329, chùa được mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tên thường gọi là chùa Hun, do Thiền sư Huyền Quang trụ trì. Những bia đá, chuông đá của ngôi chùa cổ còn lưu lại Chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm, cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh. Nơi đây được Đệ nhất tổ Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông cùng Đệ nhị tổ Pháp loa tôn giả và Đệ tam tổ Huyền Quang xây dựng thành tổ đình, thiền viện lớn nhất thời nhà Trần. Chùa Côn Sơn gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang Thiền sư và người anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nền chùa cũ Được xây dựng bề thế dưới thời nhà Trần, sau nhiều lần trùng tu, đến nay chùa vẫn giữ nguyên lối kiến trúc kiểu chữ Công đặc trưng của các ngôi chùa Việt, gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, cổng tam quan, rồi đến gác chuông, phật điện, hai bên tả hữu có hành lang nối dài từ tiền đường đến hậu đường. Kiến trúc kiểu chữ Công đặc trưng của các ngôi chùa Việt Các  tòa nhà hầu hết được làm hoàn toàn bằng gỗ Mái đầu đao chạm khắc hình rồng rất tỉ mỉ, công phu Các bậc thang cũng được chạm khắc hình rồng Bộ tượng Phật quý của chùa Côn Sơn Điểm đặc biệt ở chùa Côn Sơn là nằm giữa một vùng non xanh nước biếc, được rừng thông xanh bao bọc nên quanh năm mát mẻ. Chính cảnh sắc của núi Côn Sơn đã khiến Nguyễn Trãi cảm khái để viết lên những câu thơ trong "Quốc âm thi tập": Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm. Thời gian gần đây, quanh chùa còn phát triển vùng trồng vải khiến vùng đất quanh núi Kỳ Lân này càng thêm trù phú. Chùa Côn Sơn nằm ở nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình Con đường vào chùa cũng nằm giữa những hàng cây xanh mát Di tích Giếng Ngọc và khu bảo tháp Trong khuôn viên chùa Côn Sơn còn có nhiều di tích như Giếng Ngọc – được cho là con mắt của Kỳ Lân, khu bảo tháp trong đó có Đăng Minh bảo tháp là nơi đặt tượng Thiền sư Huyền Quang sau khi viên tịch, di tích Bàn cờ tiên, Am Bạch Vân,.. Ngay sát chùa Côn Sơn là khu Đền thờ Nguyễn Trãi và Đền thờ Trần Nguyên Đán. Cây cầu dẫn sang khu đền thờ Nguyễn Trãi Khu Đền thờ Nguyễn Trãi nằm giữa vùng cây xanh, phong cảnh hữu tình Chùa Côn Sơn cùng với quần thể kiến trúc trên núi Côn Sơn và đền Kiếp Bạc tạo thành quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được công nhận là Di tích đặc biệt quốc gia năm 2012. Phật tử cúng dường tại Lễ hội Côn Sơn Hàng năm, lễ hội Côn Sơn (gắn với Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang) thường bắt đầu từ rằm tháng giêng và kéo dài đến hết tháng giêng. Lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn với ngày giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng tám âm lịch. Phạm Hằng/ Vietnam Journey

Có thể bạn quan tâm:

  • Khám phá vẻ đẹp Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam
  • Thừa Thiên Huế: Tạm dừng khai trương Phố đêm Hoàng Thành Huế
  • Choáng ngợp trước cổng cưới rồng phượng khổng lồ ở Vĩnh Long
  • Sôi nổi Lễ hội đua thuyền đuôi én của người Thái trắng
  • Tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
  • "Điểm mặt" 5 khu du lịch xanh ở Đông Nam Bộ
  • Những khách sạn "ngon, bổ, rẻ" ở trung tâm thành phố Điện Biên
  • Chuối ăn kèm nước mắm và rau sống, nghe lạ đời nhưng lại là món đặc sản có 1-0-2
  • Chỉ mặt điểm tên những món ngon đất Bạc Liêu
  • Đội K52 Gia Lai: Những người âm thầm đi tìm đồng đội