Đội K52 Gia Lai: Những người âm thầm đi tìm đồng đội
Nhiệm vụ của Đội K52 là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Huy Bắc Những ngày cuối tháng 7 này, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đang miệt mài làm nhiệm vụ ở khu Bến Cát, phường Bình An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Nơi đây, theo nguồn tin của nhân dân, trong chiến tranh, là nơi kẻ địch chôn cất nhiều thi thể bộ đội ta hy sinh trong các trận đánh. Đại uý Nguyễn Bá Lợi, phân đội trưởng Đội K52 cho biết, đội đang đào các hào sâu chạy song song, mỗi hào cách nhau 1,5 mét để thăm dò. “Theo xác suất, theo kinh nghiệm thì chúng tôi đào thăm dò theo kiểu chặn ngang, dích dắc chỗ này, dích dắc chỗ kia, trúng chỗ nào phát hiện. Còn những chỗ xác định chắc chắn có như ở phường Tây Sơn (thị xã An Khê) vừa rồi thì đào 12 mét vuông, sâu 5 đến 6 mét, lượng đất rất là lớn,” Đại úy Lợi cho hay. Thượng tá Nguyễn Xuân Toản, Đội trưởng Đội K52 cho biết, nhiệm vụ quy tập trong nước của đội thường diễn ra từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm. Vào mùa khô, đầu tháng 10 năm trước, tới cuối tháng 5 năm sau, đội lại hành quân tới 3 tỉnh Ratanakiri, StungTreng, Preah Vihear (Vương quốc Campuchia). Ở Campuchia, mọi sinh hoạt chủ yếu diễn ra trong rừng, hoặc các phum, sóc thuộc vùng núi. Điều kiện thức ăn, nước uống rất khó khăn; nhiều nơi còn sót lại bom mìn, chất độc hoá học; lại đối mặt với thú dữ, rắn độc và những cơn sốt rét. Đã có chiến sĩ hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ vì bị rắn hổ chúa cắn. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng tuyệt nhiên không ai chùn bước. Bởi, họ tâm niệm rằng, đưa các hài cốt liệt sĩ hồi hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng. “Ngôn ngữ mình không rành, việc khai thác nắm thông tin rất khó khăn; địa bàn khó khăn hơn ở Việt Nam nhiều. Vì lượng thông tin người ta cung cấp ngày càng ít. Ngày trước còn cả sơ đồ chôn cất, mai táng ban đầu thì còn dễ. Mấy năm gần đây sơ đồ không còn nữa, các bác già rồi, một số thì không nhớ. Càng ngày việc tìm kiếm càng khó,” Thượng tá Toản nói. “Làm công tác quy tập ở đâu thì làm tốt công tác dân vận ở đó”, nên khi thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn, đội đã tổ chức hàng nghìn lượt khám bệnh miễn phí; giúp nhân dân nước bạn sửa chữa nhà, làm công trình nước sạch, thu hoạch mùa màng. Cũng chính những điều này đã giúp khoảng cách giữa nhân dân nước bạn và bộ đội ta ngắn lại. Nhân dân Campuchia đã nhiều lần cung cấp thông tin, dẫn đường, xác định đúng vị trí các hài cốt. Đội K52 đã vận động được 1 người từng là Trung đoàn trưởng Pool Pốt ở Preah Vihear tự nguyện chỉ dẫn, quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó là một số người từng đi lính trong chế độ cũ cũng tự nguyện cung cấp thông tin để tìm kiếm hàng chục hài cốt liệt sĩ ở trong nước. Ông Đinh Ngọc Châu, ở xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Trong đêm, tôi lén chở xe ra để chôn xác các liệt sĩ. Từ năm 1968 tới nay đã trên 50 năm rồi, tuổi đời tôi cũng đã cao. Hiện nay, quy tập được hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang để nằm ở đây, để hưởng hương khói”. Trong gần 20 năm qua, Đội K52 đã quy tập, hồi hương được 1.428 hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Huy Bắc Từ khi được thành lập (tháng 1/2001) tới nay, Đội K52 đã tìm kiếm, cất bốc, hồi hương 1.428 hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh thuộc Campuchia và nhiều huyện ở tỉnh Gia Lai. Với những thành tích đã đạt được, Quân uỷ trung ương, Bộ Quốc phòng đã trình đề nghị Nhà nước phong tặng Đội K52 danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới. Đại tá Vũ Văn Sơn, nguyên Đội trưởng Đội K52 cho rằng, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong những năm tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, Đội K52 rất cần có sự hỗ trợ của các cựu chiến binh và nhân dân: “Từ trước tới nay, ông cha ta cũng không để mất liệt sĩ ở chiến trường. Tới nay, các liệt sĩ đã nằm lại chiến trường mấy chục năm rồi, chúng ta phải tìm kiếm. Điều mong mỏi nhất của tôi là những cựu chiến binh cố gắng nhớ lại, có thông tin chính thống, tạo điều kiện giúp các đội quy tập tìm kiếm liệt sĩ để đưa về nước càng sớm càng tốt”. Công việc của cán bộ, chiến sĩ Đội K52, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai trong thời gian qua là sự tri ân đối với công lao, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta./. PV/VOV Tây Nguyên