Choáng ngợp trước cổng cưới rồng phượng khổng lồ ở Vĩnh Long
Đám cưới của cô dâu Thanh Trà (SN 1996) và chú rể Vũ Bình (SN 1992) tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long gây chú ý bởi chiếc cổng cưới khổng lồ hình rồng phượng được trang trí cầu kỳ, lộng lẫy. Chia sẻ với PV, Vũ Bình cho biết chiếc cổng cưới cao 4m, dài 11m, lấy cảm hứng từ hình ảnh đôi long phụng uốn lượn bên nhau. Để hoàn thiện nó phải cần đến sự hỗ trợ của 5 người thợ chuyên nghiệp trong gần 5 ngày, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến làm khung sườn, kết hoa, thi công lắp ráp chi tiết... "Chúng mình luôn mong muốn được lan tỏa nét văn hóa đặc trưng của người miền Tây tới mọi người, nhất là trong ngày cưới đầy ý nghĩa. Bởi vậy cả hai quyết định đầu tư làm chiếc cổng cưới cây nhà lá vườn thật đẹp, hoành tráng, vừa tạo dấu ấn, vừa có thêm những kỷ niệm đặc biệt", chú rể chia sẻ. Cô dâu chú rể rạng rỡ trước cổng cưới đồ sộ, lộng lẫy Để có được cổng cưới vừa ấn tượng, độc đáo, cặp đôi đã tham khảo trước một số mẫu rồi lên ý tưởng, truyền đạt lại cho nghệ nhân thực hiện trọn vẹn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến thi công, hoàn thiện. Đôi uyên ương tiết lộ đã chi 24 triệu đồng để sở hữu chiếc cổng cưới rồng phượng công phu này. Không chỉ cô dâu, chú rể, gia đình hai bên mà quan khách tới tham dự đám cưới cũng không khỏi trầm trồ khi tận mắt chứng kiến chiếc cổng đồ sộ, đẹp mắt. Nhiều người còn thích thú chụp những bức hình check-in với đôi uyên ương bên cổng cưới rồng phượng. "Mọi người tới dự lễ cưới đều khen cổng cưới rất đẹp khiến vợ chồng mình cảm thấy vui lắm. Một số khách mải chụp ảnh với cổng, đến khi hết tiệc cưới mới nhớ ra quay lại để có tấm hình chung với cô dâu, chú rể. Nhiều người đi qua thấy cổng cưới đẹp quá cũng dừng xe lại chụp hình và chúc phúc tụi mình", Văn Bình nhớ lại. Anh Văn Ngọt - người trực tiếp đảm nhiệm hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật trên cho hay, đây là chiếc cổng cưới lộng lẫy, lớn nhất anh từng thực hiện. Chiếc cổng cưới khổng lồ được hoàn thiện trong suốt 3 ngày bởi 5 người thợ chuyên nghiệp Người đàn ông hơn 3 năm làm nghề trang trí tiệc cưới chia sẻ, cổng cưới là một phần quan trọng trong lễ thành hôn của người dân miền Tây. Không chỉ tạo điểm nhấn đầu tiên, thu hút mà nó còn thể hiện nét văn hóa cưới hỏi độc đáo nơi đây. "Cổng cưới được làm từ 4 nguyên liệu chính là trái cau, lá khóm, hoa và lá dừa. Tùy theo hoàn cảnh mà mỗi gia đình sẽ dựng một cổng cưới có kiểu cách khác nhau. Gia đình nào có điều kiện hơn thì đầu tư cổng cưới cao, nhiều đường nét, trang trí đẹp mắt", anh Ngọt nói. Từ những chi tiết nhỏ cho đến công đoạn phức tạp đều đòi hỏi người thợ phải kỳ công Với chiếc cổng cưới của cô dâu Thanh Trà và chú rể Vũ Bình, người thợ này phải sử dụng tới 30kg ớt, 20kg đậu bắp, 2kg đậu đũa và 10 buồng cau, 30 bó hoa cúc... Để cổng đẹp hơn, anh trang trí thêm bằng những cụm hoa hồng và các loại hoa phụ khác. "Quá trình làm cổng cưới đòi hỏi người thợ phải kỳ công, tâm huyết. Khó nhất là công đoạn làm mắt rồng, mắt phượng sao cho có hồn, thần thái. Đến ngày mở tiệc, đãi khách, hoa tươi mới được cắm trang trí xung quanh để giữ được độ bền, tươi", anh bày tỏ. Theo anh Ngọt, cổng cưới miền Tây được làm theo nhiều kiểu cách khác nhau nhưng nguyên liệu chủ yếu vẫn là các loại lá, rau củ quả đặc trưng của địa phương như lá dừa, lá khóm, cau kiểng... Điểm nhấn của những chiếc cổng này là hình ảnh đôi rồng phượng uốn lượn bên nhau. Một số mẫu cổng cưới mà anh Ngọt từng làm Tùy theo độ khó và yêu cầu của gia chủ mà mỗi cổng cưới lại có giá thành khác nhau, dao động từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có cả những chiếc cổng được đầu tư lên tới vài chục triệu đồng. Nhờ đôi tay khéo léo của những người thợ mà chiếc cổng cưới long phụng được hoàn thiện đẹp mắt, lộng lẫy, góp phần làm nên thành công, ấn tượng cho đám cưới người miền Tây, thể hiện mong ước chúc phúc đôi uyên ương có cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc. Theo Dân trí