Độc đáo trang sức bằng bạc trên trang phục của phụ nữ Dao Đỏ

Độc đáo trang sức bằng bạc trên trang phục của phụ nữ Dao Đỏ

Trang phục phụ nữ dân tộc Dao Đỏ rất đặc sắc từ khăn đội đầu đến các hoa văn, họa tiết thêu ở áo, quần, túi đeo tạo nên các điểm nhấn hài hòa và ấn tượng. Để làm nổi bật bộ trang phục của người phụ nữ phải kể đến đồ trang sức bằng bạc mà người phụ nữ dân tộc Dao Đỏ đính ở khăn, dải yếm ngực. Sản phẩm gắn vào trang phục truyền thống của người Dao Đỏ tạo nét khác biệt, nổi bật so với trang phục truyền thống của các dân tộc khác. Phần ngực áo được trang trí họa tiết bằng bạc, những họa tiết này gắn đầy trên 2 mảnh vải vòng qua cổ tựa như chiếc áo nhỏ nhưng không có tay áo. Quanh viền cổ là vải đỏ và đính lên trên là các hàng hoa bằng bạc song song với nhau. Chiếc áo nhỏ này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc. Thân trước của áo bắt đầu từ viền đỏ ở cổ áo đính 2 hàng hoa bạc, từ cổ áo trở xuống nẹp một dải vải đỏ để đính một hàng cúc bạc gồm có 7 - 9 cúc, trong đó trên mặt cúc được chạm khắc hoa mặt trăng và mặt trời. Trên phần yếm, áo, mũ… được trang trí bởi hàng trăm đồng xu, quả chuông nhỏ, cúc vuông, cúc tròn, ngôi sao, dây chuyền... đều bằng bạc. Bộ trang sức bạc gồm vòng cổ, vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây xà tích chạm khắc hoa văn tinh xảo như rồng, phượng, chim muông, hoa lá, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày... Do đó, một bộ trang phục cưới theo truyền thống kèm trang sức bạc của người Dao Đỏ có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bạc và các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tộc Dao Đỏ. Trong quan niệm của họ, nhà giàu không phải có nhiều vàng, trâu, bò, ruộng đất mà có nhiều bạc. Đặc biệt, trang sức bạc được xem là “vật bất ly thân” với phụ nữ dân tộc Dao Đỏ. Trang phục truyền thống đính bạc và bộ trang sức bạc là một trong những món của hồi môn mà bố mẹ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng. Bạc cũng là lễ vật mà bố mẹ chồng sẽ tặng cho con dâu mới. Theo họ, bạc không chỉ làm trang sức tạo điểm nhấn cho trang phục truyền thống, có nhiều bạc thể hiện sự giàu có, ấm no và còn để trừ tà ma, mang lại sự may mắn, tài lộc. Người nào càng có nhiều bạc thì càng được phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Vì vậy, vòng bạc và mũ đính kèm bạc là món quà người lớn tặng trẻ nhỏ để cầu mong điều tốt lành, sức khỏe cho trẻ. Để có sản phẩm trang sức bạc chất lượng, đẹp mắt đòi hỏi cả một quy trình chế tác công phu của người thợ thủ công từ khâu chọn nguyên liệu đến chế tác. Xã hội ngày một phát triển, trên thị trường ngày càng có nhiều kim loại, đồ trang sức có giá trị như vàng, bạc, đá quý nhưng với người Dao Đỏ ở Cao Bằng, bạc vẫn còn nguyên giá trị và không thể thiếu trong đời sống của người dân. Xuân Lam, báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm:

  • Những ngôi nhà cổ trên đất nước Việt Nam
  • Bình Định: 3 món ăn dân dã mà ngon
  • Tẩu khía - Món ăn quen thuộc của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang
  • Bánh đa Kế - Món quà dân dã của Bắc Giang
  • Đến 'Biệt động Sài Gòn’ để thưởng thức cà phê, tìm hiểu lịch sử
  • Lạ lẫm du lịch vườn đỏ ở Phú Yên
  • Quảng Ngãi: Cho phép cơ sở ăn uống hoạt động bình thường từ ngày 1/12
  • Quán cà phê ngắm hoàng hôn Vũng Tàu
  • Phát huy giá trị di tích thành đất hình tròn Thuận Lợi 1
  • Hàng cứu trợ đến tay người dân vùng lũ Quảng Trị