Đến 'Biệt động Sài Gòn’ để thưởng thức cà phê, tìm hiểu lịch sử
Giới trẻ TP Hồ Chí Minh thường tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống tại các quán cà phê Biệt động Là khách hàng thân thiết của quán cà phê "Biệt động Sài Gòn" (Biệt động) ở 113A Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1), chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ ở quận Gò Vấp cho biết, chị biết đến quán cà phê Biệt động này thông qua bạn bè giới thiệu. Lần đầu vào quán, chị Hằng khá ấn tượng với kiểu trang trí theo phong cách Sài Gòn những năm trước 1975. Tại đây, chị Hằng còn có thể vừa tìm hiểu những câu chuyện về các chiến sỹ biệt động Sài Gòn, vừa nhâm nhi tách cà phê cùng bạn bè. Sau một năm tìm hiểu về quán cà phê Biệt động Sài Gòn, chị Hằng càng yêu mến và cảm phục các chiến sỹ biệt động năm xưa và càng khâm phục người mày mò phục dựng lại hệ thống quán cà phê Biệt động kiêm bảo tàng lịch sử Biệt động Sài Gòn ngày nay, để các bạn trẻ biết nhiều hơn về Biệt động Sài Gòn và cuộc Tổng tiến công nổi và dậy mùa Xuân Mậu Thân - năm 1968. Đến quán cà phê Biệt động Sài Gòn, các bạn trẻ được giao lưu và chụp ảnh với những nhân vật lịch sử của Biệt động Sài Gòn năm xưa. Trong ảnh: Các bạn thanh niên giao lưu, chụp ảnh với vợ của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) . “Mỗi khi có dịp, tôi lại dẫn khách hàng, bạn bè, người thân… đến quán cà phê Biệt động Sài Gòn ở số 113A Đặng Dung để cùng bạn bè thưởng thức cái thú vị của cà phê vợt (đặc trưng của cách pha cà phê trước năm 1975) rồi trò chuyện, tìm hiểu về các chiến sỹ Biệt động Sài gòn năm xưa. Ngoài ra, khi khách đến với quán cà phê Biệt động còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của TP Hồ Chí Minh như: cơm tấm, cà phê vợt… rất ngon và hấp dẫn”, chị Hằng nói. Bên trong hệ thống quán cà phê Biệt động Sài Gòn có rất nhiều kỉ vật của các chiến sỹ biệt động. Ông Trần Vũ Bình, chủ của hệ thống cà phê Biệt động Sài Gòn cho biết, các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh và nhiều du khách tới đây không chỉ vì tò mò mà còn khao khát muốn tìm hiểu về lịch sử, về những câu chuyện xung quanh các chiến sỹ biệt động năm xưa. Không gian quán cà phê Biệt động thu hút giới trẻ TP Hồ Chí Minh bởi phong cách trước năm 1975. Menu gọi món được giữ nguyên mẫu như thời các chiến sỹ biệt động "ngụy trang" để hoạt động trong lòng địch tại Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Theo ông Bình, để có một hệ thống các kỉ vật của các chiến sỹ biệt động trưng bày tại quán, hơn 20 năm qua, ông đã âm thầm, mày mò đi tìm các kỉ vật của các chiến sỹ biệt động. Trong hệ thống quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (tên nguỵ trang của các chiến sĩ biệt động lúc bấy giờ) ở cơ sở 2 (113A Đặng Dung) được xem là địa chỉ có khá đầy đủ hiện vật của các chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa. Đây là một trong những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) - cha của ông Trần Vũ Bình, cùng đồng đội chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các đơn vị, cơ quan tại TP Hồ Chí Minh đến tham quan, chụp ảnh tại căn hầm bí mật trong quán cà phê Biệt động Sài Gòn. Căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn tại đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) được phục dựng khá nguyên vẹn hiện vật để du khách tham quan, tìm hiểu. Khi đến với quán cà phê Biệt động ở 113A Đặng Dung, khách sẽ được tìm hiểu nguyên bản 2 căn hầm chìm và nổi, 2 hộp thư, 2 phía lan can cảnh giới trước - sau, tầng áp mái bí mật cùng rất nhiều những đồ dùng của người Sài Gòn xưa, đặc biệt là của vợ chồng ông Đỗ Miễn - những người đã góp công to lớn cho cách mạng. Ngoài quán cà phê, bảo tàng Biệt động tại 113 A Đặng Dung, khách còn có thể tìm hiểu những di tích, nơi chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại căn nhà - nay là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, có hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Đây là quán cà phê Biệt động - cơm tấm Đại Hàn cơ sở 1; hoặc có thể về khu vực ngoại thành huyện Củ Chi để tìm hiểu về khu di tích Biệt động Sài Gòn... Ông Bình cho biết, với mong muốn làm "sống lại" góc khuất của lịch sử một cách sống động, đầy đủ, ông đã cho số hoá hiện vật, đưa vào ứng dụng trên điện thoại để khách tham quan có những trải nghiệm thú vị giữa không gian di tích xưa với công nghệ hiện đại. Theo đó, người xem có thể vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa nghe kể về những giai thoại của lực lượng Biệt Động Sài Gòn, những câu chuyện về Sài Gòn, Gia Định xưa…; dùng công nghệ thực tế ảo để xem lại những trận đánh tiêu biểu của lực lượng biệt động huyền thoại, cùng nhiều dự định khác, hứa hẹn cho cả một chuỗi gần 20 điểm giữa thành phố mà lực lượng Biệt động Sài Gòn đã từng sinh sống và hoạt động. Các quán cà phê Biệt động thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Du khách Ba Lan thưởng thức món cơm tấm tại quán cà phê Biệt động trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ông Trần Vũ Bình, chủ của hệ thống cà phê Biệt động Sài Gòn, rất tâm huyết với việc phục dựng các kỉ vật của thế hệ cha ông là những chiến sỹ Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Theo ông Bình, để có được chuỗi địa điểm này và gìn giữ, bảo tồn các hiện vật gần đúng nguyên bản, ông Bình đã dành rất nhiều tâm sức. Không ít người thân lẫn người ngoài cho rằng anh làm chuyện “vác tù và hàng tổng”; ngay cả mẹ ông cũng bảo rằng chiến tranh kết thúc rồi, hãy để mọi thứ qua đi... nhưng với ông “Câu chuyện của Biệt động Sài Gòn đẹp như thế, hay, ý nghĩa như thế thì không thể chỉ được người trẻ hôm nay biết đến qua bộ phim hay đôi dòng ghi chép trong sử sách. Tôi muốn làm điều gì đó thiết thực, gần gũi hơn, để không chỉ du khách mà các thế hệ trẻ trong nước cũng hứng thú tìm đến, tìm hiểu, để biết rằng đã từng có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch bất chấp cái chết luôn cận kề”. Theo baotintuc.vn