Di tích lịch sử Côn Sơn
“Côn Sơn suối chảy rì rầm, Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai". Di tích lịch sử Côn Sơn đã đi vào thơ văn của Nguyễn Trãi- một người con ưu tú của vùng đất này. Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt do Vua Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIV. Côn Sơn còn là nơi thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn là di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia, thời Trần thuộc địa phận xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Côn Sơn là điểm đến tâm linh lý tưởng Nơi đây từ lâu đã trở thành một vùng văn hoá lịch sử, nơi di dưỡng tinh thần quốc gia. Ở đây, văn hoá Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, tất cả đều thẫm đẫm bản sắc thuần Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối… Ngoài những di tích hiện hữu trên mặt đất, Côn Sơn còn lưu giữ nhiều cổ vật trong lòng đất. Với những giá trị đặc sắc cùng cảnh quan thiên nhiên huyền ảo, khu di tích Côn Sơn là điểm đến tâm linh lý tưởng, trong đó phải kể đến đền thờ Nguyễn Trãi, cầu Thấu Ngọc, Thanh Hư động, Bàn Cờ Tiên, chùa Côn Sơn… Mỗi dịp hành hương về Côn Sơn, du khách thập phương thường tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ, tri ân các bậc hiền tài khai quốc công thần, kinh bang tế thế. Từ đó, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Lương Trang