Ga Đà Lạt
Tọa lạc ở con dốc đường Yersin, ga Đà Lạt được Pháp khởi công xây dựng từ năm 1932. Đây là điểm đầu tuyến đường sắt nối Phan Rang- Đà Lạt với độ dài 84 km. Ga Đà Lạt có diện tích không quá lớn, chiều dài 66,5 mét, chiều ngang 11,4 mét và chiều cao 11 mét, mang vẻ đẹp hài hòa, trang nhã. Kiến trúc độc đáo của ga Đà Lạt Kiến trúc của ga Đà Lạt được lấy cảm hứng từ thiên nhiên nơi đây. Nhà ga có ba hình mái chóp, cách điệu từ dáng núi Langbiang và từ mái nhà rông truyền thống của Tây Nguyên, nhưng vẫn mang đậm hơi thở từ nước Pháp với phần mái nhô ra từ nóc và thụt vào chân theo hướng thẳng đứng. Tổng quan không gian nhà ga chia làm ba khu chính: đại sảnh, hành lang sân ga và một số gian xép, phòng nghỉ cho nhân viên. Thăm thú nhà ga, du khách sẽ được quay ngược thời gian trở về Đà Lạt của những năm 30, 40 thế kỷ trước. Không gian chính vẫn giữ nguyên thiết kế trước đây Hiện tại, tuyến đường sắt vận chuyển đã dừng hoạt động nhưng vẫn còn phục vụ khách du lịch. Đó là tuyến TP Đà Lạt đến Trại Mát có độ dài 7km. Trên tuyến này, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn quang cảnh thơ mộng của thành phố, tham quan chùa Linh Phước, thị trấn Trại Mát. Đa số mọi người biết Đà Lạt có một nhà ga xe lửa đẹp vào bậc nhất Đông Nam Á, nhưng không mấy ai chú ý đến một điều, đường ray của ga là đường xe lửa răng cưa (cog railroad) độc đáo và hiếm có trên thế giới. Đường xe lửa răng cưa độc đáo Không chỉ khách du lịch mà các cặp đôi cũng đến chụp ảnh cưới tại đây. Có thể nói rằng, việc sở hữu nhiều kỷ lục như “nhà ga cao nhất”, “nhà ga cổ nhất”, “đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất”, “nhà ga độc đáo nhất” Việt Nam đã khiến ga Đà Lạt trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thành phố ngàn hoa.