Dạo chơi Phú Quý
Bãi Nhỏ với làn nước biển trong vắt Từ Hà Nội, chúng tôi bắt chuyến xe khách giường nằm để thực hiện chuyến đi tới cảng Phan Thiết, Bình Thuận. Từ đây chúng tôi bắt chuyến tàu cao tốc, khởi hành vào đầu giờ chiều để rẽ sóng tiến ra vùng biển khơi. Sau hơn hai giờ lênh đênh trên biển, mọi người đến được cầu cảng Phú Quý, bắt đầu những ngày rong ruổi, khám phá hòn đảo xinh đẹp. Khung cảnh bình yên, trong lành với những bãi biển hoang sơ, trong vắt là những gì chúng tôi nhận thấy khi dạo bước trên đảo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phú Quý còn có tên gọi là Cù Lao Thu, với diện tích khoảng 16,5 km2 và hơn 30.000 cư dân sinh sống. Người dân đã ra Phú Quý khai hoang, định cư từ cách đây vài trăm năm. Chợ hải sản trên đảo Phú Quý lúc bình minh Hiện nay, dịch vụ du lịch trên đảo Phú Quý khá phát triển. Mọi người có thể thuê xe ôm, xe lam để di chuyển từ cầu cảng về cách khu nhà nghỉ, khách sạn. Tùy theo nhu cầu của từng người mà ở Phú Quý có các loại nhà nghỉ từ bình dân (kiểu homestay) đến hạng sang. Thậm chí, với mức kinh phí eo hẹp, bạn hoàn toàn có thể xin ở nhờ miễn phí tại nhà dân một vài đêm. Sau một đêm nghỉ ngơi trên đảo, sáng hôm sau, nhóm quyết định thuê xe máy để bắt đầu chuyến trải nghiệm, khám phá các thắng cảnh nơi đây. Theo bản đồ được tìm hiểu trước đó, chúng tôi quyết định thẳng tiến đến xã Long Hải và Tam Thanh. Ở địa điểm giáp ranh giữa hai xã có một vách núi đá bazan hùng vĩ, mà rất nhiều người ra đảo Phú Quý đều tìm đến check-in, chụp ảnh. Từ phía sau chùa Linh Sơn, du khách có thể quan sát thấy những khối đá bazan đen nhám khổng lồ xếp thành từng tầng, từng tầng từ chân sóng lên cao vút. Trên thảm đá là những loài cỏ dại, cây thân leo đua nhau mọc khiến cho cảnh sắc càng trở nên cuốn hút. Du khách chụp ảnh ở khu núi đá bazan, phía sau chùa Linh Sơn Sau khi ngắm cảnh biển và bờ đá đen nhám, mọi người lại cùng nhau vào chùa Linh Sơn tĩnh tâm bái phật. Đến đảo Phú Quý mới biết có rất nhiều công trình tâm linh, tôn giáo xuất hiện từ lâu đời gắn liên với đời sống tín ngưỡng của cư dân. Ngoài chùa Linh Sơn, bạn có thể đến tham quan các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác như: Chùa Linh Bửu, chùa Linh Quang, Mộ Thầy, Tòa Thánh Tây Ninh, Vạn An Thạnh… Chúng tôi quyết định đi tới núi Cấm để ngắm ngọn hải đăng cao 126 m, thuộc xã Ngũ Phụng. Điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Cấm thật tuyệt vời, với tầm quan sát rộng bao la. Chúng tôi thấy những cột điện gió - tạo ra năng lượng từ thiên nhiên hết sức ấn tượng. Từ đỉnh núi, bạn có thể quan sát được toàn cảnh đảo Phú Quý tươi đẹp, trù phú đến nhường nào. Hải đăng trên đỉnh núi Cấm Chiều đến, khi ánh nắng bắt đầu chói chang, chúng tôi đi "giải nhiệt" ở khu vịnh Triều Dương, rồi Bãi Nhỏ - ghềnh Hang. Đây là những bãi tắm tuyệt vời với làn nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy. Nếu thuê được dụng cụ lặn biển, bạn hoàn toàn có thể ngắm những rặng san hô đẹp mê hồn. Ghềnh Hang - nơi du khách có thể ngắm cảnh biển lúc bình minh và hoang hôn tuyệt đẹp Nếu du khách lưu lại vài ngày trên đảo thì có thể đến tham quan làng chài Long Hải, Ngũ Phụng và trải nghiệm ở cảng cá Phú Quý tấp nập vào mỗi sáng. Vài loại hài sản như mực nang, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, bạch tuộc… là những món ăn đặc sản nên thưởng thức khi ghé thăm Phú Quý. Chùa Linh Bửu - công trình tôn giáo tiêu biểu trên đảo Khung cảnh hoang sơ, thanh bình cùng với vẻ hồn hậu, hiếu khách của cư dân trên đảo là những nét thú vị, tuyệt vời khiến chúng ta muốn lưu lại lâu hơn hoặc sẽ trở lại đảo Phú Quý nhiều lần trong tương lai. Quạt điện gió trên đảo Nguyễn Hường/nhandan.com.vn