Đến lễ hội Đền Hùng, nếm đặc sản thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mường ở vùng Thanh Sơn, Phú Thọ. Món ăn này bắt nguồn từ việc muốn bảo quản thịt được lâu hơn, người dân đã đem thịt muối chua để ăn dần. Theo thời gian, món ăn này ngày càng trở nên phố biến, không chỉ nhằm mục đích bảo quản thịt, mà còn là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của huyện miền núi Thanh Sơn. Để làm được món thịt chua ngon, khâu đầu tiên là nguyên liệu phải chuẩn. Thịt được dùng để muối chua phải là thịt lợn tươi vừa mới mổ, trong đó chỉ lấy chủ yếu là phần nạc thăn, nạc mông, rồi bóc tách riêng phần thịt nạc và bì. Sau khi thái thịt và bì thành các miếng nhỏ, người ta sẽ trộn hai thứ thịt lại với nhau rồi tẩm ướp gia vị và rắc thính ngô lên cho đều. Sau đó, thịt được đựng trong một chiếc hũ, ủ kín với nhiệt độ 30 độ C trong vòng 48 tiếng. Thịt sau khi được ủ kỹ trong điều kiện như vậy, sẽ được nhồi vào từng ống nứa nhỏ. Đây là chu trình rất quan trọng, nhất thiết phải nhồi thịt cho chặt để không còn không khí ở bên trong, sẽ ảnh hưởng đến quá trình thịt lên men. Khi nếm thử miếng thịt chua, bạn sẽ cảm nhận được vị chua thanh của thịt, vì bùi thơm của thính ngô. Nếu đã một lần nếm thử thì bất cứ ai cũng khó có thể quên được vị đặc trưng của món đặc sản nức tiếng Thanh Sơn. Dù có nhiều địa phương chế biến món thịt chua truyền thống của dân tộc Mường, nhưng dường như thịt chua Thanh Sơn vẫn tạo được nét riêng biệt không thể trộn lẫn, chinh phục biết bao tín đồ ẩm thực dù là khó tính nhất. Anh Vũ, Hoài Nam/ Vietnam Journey