Khu du lịch sinh thái biển Hòn Cau - Bình Thuận
Vùng nước xung quanh Hòn Cau có sự hiện diện của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô, thảm cỏ biển), có sự đa dạng sinh học và cũng là nơi sinh sống, là bãi đẻ của nhiều loại thủy sinh vật quý hiếm. Trong đó đáng kể nhất là các loại rùa biển - loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Khu vực bảo vệ rùa biển Hòn Cau Theo người dân địa phương, từ rất lâu trước đây rùa biển thường đến Hòn Cau sinh sản, nhưng do khai thác biển quá mức của con người, tác động môi trường khiến rùa ít xuất hiện. Từ năm 2010, khi UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với các nỗ lực về bảo vệ môi trường biển, rùa biển đã trở lại Hòn Cau. Năm 2016, được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) về Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tại Việt Nam, dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng” đã đưa ra giải pháp bảo vệ rùa có tính lâu dài hơn. Nhiều ổ trứng rùa lần lượt được phát hiện và bảo vệ, ấp nở thành công, hàng nghìn rùa con trở về biển an toàn. Rùa con được thả về với biển Nhờ sự hỗ trợ của dự án, hai vườn ươm trứng rùa được xây dựng đảm bảo đón nhận toàn bộ các mẻ trứng từ các vị trí đẻ khác nhau về ương nuôi đến khi nở. Từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phát hiện 50 ổ trứng rùa, di dời kịp thời 36 ổ với gần 3.800 trứng rùa, đã ấp nở thành công và thả về biển hơn 2.100 rùa con với tỷ lệ ấp nở hơn 70%. 100% cá thể rùa mẹ lên các bãi đẻ được an toàn. Tình trạng săn bắt rùa và lấy trộm trứng rùa không còn diễn ra. Không chỉ bảo vệ, cứu hộ thành công rùa và trứng rùa trong mùa sinh sản, dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng” đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng ngư dân ở 8 xã, thị trấn của huyện Tuy Phong về tầm quan trọng của rùa biển. Hiện nay, ngày càng nhiều tình nguyện viên là những ngư dân địa phương tham gia nhóm tình nguyện trên đảo để chung tay bảo vệ rùa. Ngoài hệ sinh thái biển phong phú như: Rạn san hô nhiều màu sắc và chủng loại, thảm cỏ biển, thủy sinh vật quý hiếm… Hòn Cau còn được thiên nhiên ban tặng cho một thế giới đá với hàng vạn khối đá có màu sắc, hình thù khác nhau. Do không có người dân sinh sống, đảo Hòn Cau còn giữ được nét hoang sơ, thanh bình, những bãi biển đẹp với cát trắng trải dài, nước biển trong xanh. Hòn Cau có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Hòn Cau có hệ sinh thái biển rất phong phú Việc phát triển du lịch sinh thái tại Hòn Cau không thể tách rời nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ sinh thái. Phát triển du lịch phải đảm bảo các yếu tố tương đồng, phải giữ vững và gắn liền bảo tồn giá trị sinh học tại nơi đây. Hơn hết, việc phát triển du lịch sinh thái trên đảo còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân địa phương. Ngư dân sẽ chuyển đổi các hình thức đánh bắt ảnh hưởng tới rùa, tới môi trường biển sang các hoạt động phục vụ khách du lịch và có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thu gom rác thải… Với những nỗ lực không ngừng để bảo tồn biển, bảo vệ rùa và giá trị đa dạng sinh học của các đơn vị, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả cộng đồng người dân huyện Tuy Phong nói riêng và Bình Thuận nói chung, trong tương lai không xa, Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ trở thành “chốn đi về bình yên” của rùa biển và sẽ là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng. Theo TTXVN