Đầu Xuân, về Đông Môn nghe ca trù
CLB ca trù Đông Môn sinh hoạt vào chiều thứ 7 hàng tuần tại Đình Đông Môn Giữa sân đình Đông Môn, bên gốc đa cổ thụ, nhịp phách hòa quyện cùng tiếng đàn trầm bổng và giọng hát ngân nga của những ca nương “nhí” càng tô điểm thêm vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ. Nhiều năm qua, Câu lạc bộ ca trù ở làng Đông Môn (xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) đã phát hiện và đào tạo được hàng chục ca nương thành danh và khơi lên ngọn lửa đam mê, tình yêu ca trù trong thế hệ trẻ của làng. Bé Đỗ Thị Yến, học sinh trường Tiểu học Hòa Bình 2 luôn mong chờ đến chiều thứ 7 hàng tuần để được đến đình làng học hát ca trù. “Con sinh hoạt ở đây được 3 tháng, con đã biết gõ phách và hát những câu hát đơn giản. Con rất thích nghe hát ca trù. Con đã được ông bà của con nói về lịch sử ca trù của làng Đông Môn và con muốn tiếp nối truyền thống ca trù này.” – ca nương nhí Đỗ Thị Yến cho biết. Những thành viên nhí trong câu lạc bộ ca trù Đông Môn, những người sẽ gìn giữ và tiếp nối truyền thống của ông cha Ca trù xuất hiện ở Đông Môn từ cách đây hơn 200 năm. Sử sách ghi lại rằng, người đưa ca trù về Đông Môn là cụ Tô Tiến, trùm phường của một giáo phường ca trù ở Kinh Môn (Hải Dương). Mong muốn phát triển nghệ thuật ca trù ở Đông Môn nên cụ đã xin phép các giáo phường ca trù lớn, đưa chân nhang của nhị vị thánh sư Ca Công là Đinh Dự đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa, 2 vị tổ nghề ca trù, về thờ tại Phủ từ làng Đông Môn và đào tạo nên nhiều kép đàn, đào nương giỏi của vùng. Những năm 40 của thế kỷ trước, ca trù rất hưng thịnh tại Đông Môn với hàng chục giáo phường do các gia đình, dòng họ tự thành lập. Kép đàn Tô Văn Tuyên, người vừa đạt giải thưởng “Kép đàn tài năng” trong Cuộc thi Ca trù toàn quốc năm 2018, hậu duệ của cụ Tô Tiến chia sẻ về những năm tháng hoàng kim của nghệ thuật ca trù. “Ngày xưa, người Đông Môn nhà nào cũng cho con cái đi học hát ca trù, kiếm sống bằng nghề hát ca trù. Đi đến đầu làng đã nghe tiếng đàn, tiếng phách lách cách. Những nghệ nhân ở Đông Môn đã từng đi nhiều nơi để mở những ca quán lớn, như: cụ Chín đã từng vào Sài Gòn, lên Hà Nội… và có rất nhiều nghệ nhân có giọng hát hay, đàn giỏi.” – kép đàn Tô Văn Tuyên chia sẻ. Đất nước có chiến tranh, người dân làng Đông Môn tạm gác tình yêu ca trù để cùng nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Đến khoảng năm 1992-1993, nghệ thuật ca trù dần được khôi phục. Những nghệ nhân có công hồi sinh ca trù ở Đông Môn như cụ Tô Nghị, Tô Thị Chè, Nguyễn Thị Chín, Trần Trọng Quế, Trần Bá Sự… đa phần đã về với tổ tiên, nhưng hôm nay lớp lớp ca nương, kép đàn vẫn bừng cháy đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Vào ngày giỗ của nhị vị Ca Công hay những ngày lễ Tết, đầu Xuân, ca trù vẫn được diễn xướng với những nghi lễ truyền thống tại sân đình Đông Môn. Ca trù cũng được biểu diễn trong những sinh hoạt cộng đồng của người dân Đông Môn và cả trong trường học. Lớp lớp ca nương, kép đàn của Đông Môn vẫn bừng cháy đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương Trong những kỳ liên hoan ca trù toàn quốc hay khu vực, câu lạc bộ ca trù Đông Môn luôn dành được những giải thưởng cao. Thế nhưng tâm huyết, mong muốn của những nghệ nhân, những đào nương, kép đàn của Đông Môn là ca trù không chỉ “sống lại” mà thực sự phát triển ở Đông Môn. Ca nương Phạm Thị Liên trăn trở: “Ca trù là bộ môn nghệ thuật truyền thống của người Đông Môn, từ trong nhận thức sâu thẳm của người Đông Môn luôn có ý thức giữ gìn. Thế nhưng, nghệ thuật này rất kén người nghe, kén người học nên phần nào chưa thực sự phát triển tốt được, mới ở mức độ bảo tồn thôi. Tôi vô cùng mong muốn có cơ chế, sự quan tâm ở mức độ phù hợp để các nghệ nhân yên tâm giữ nghề, giữ lửa cho làng”. Ca trù trường tồn trên mảnh đất Đông Môn không phải chỉ bởi nó đã ngấm vào máu thịt của con người nơi đây mà đã trở thành một thành tố văn hóa quan trọng của vùng đất này. Ca trù không chỉ chứa đựng những đặc điểm, tư duy, thẩm mỹ của người dân Đông Môn mà còn góp phần hình thành nhân cách con người, nhân lên những nét đẹp trong tâm hồn của con người nơi đây. Thanh Nga/ VOV Đông Bắc