Gặp cựu binh tham gia cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/04/1975
Đại đội 5 Anh hùng Kỷ niệm ngày 30/4 năm nay, phóng viên VOV có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với cựu binh Trần Đình Ất (ở Sầm Sơn, Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên Đại đội 5 Anh hùng, được nghe ông kể về những ngày tháng lịch sử năm 1975. Hôm nay, trong số các cựu binh, người còn, người mất. Với cựu chiến binh Trần Đình Ất, ký ức về những ngày tháng 4/1975 lại ùa về nguyên vẹn. Ông kể, năm 1967, sau bao công sức, ước nguyện, chàng thanh niên Trần Đình Ất đã nhận được giấy trúng tuyển đại học. Thế nhưng, cùng thời điểm này ông cũng nhận được giấy gọi nhập ngũ. Quyết định gác lại đèn sách, chọn con đường binh nghiệp ra chiến trường, năm 1968 tân binh Trần Đình Ất lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 338, đóng quân ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Sau thời gian đơn vị cho đi học, trở về, ông được cấp trên giao nhiệm vụ mới, làm Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390. Tại chiến trường Quảng Trị, ông và đồng đội đã chiến đấu và giành những trận thắng vang dội. Tháng 9/1973, Chính trị viên Trần Đình Ất và đồng đội được lệnh hành quân ra Bắc, xây dựng lực lượng, bảo vệ miền Bắc, chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến ngày 12/4/1975 đơn vị đã có mặt tại Đồng Xoài - Phước Long. Ông Ất nhớ lại, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 5 cánh quân của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong đó, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 được giao nhiệm vụ phải đánh chiếm và cắm bằng được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Cựu binh Trần Đình Ất: "Cuối năm 1974 sư đoàn được lệnh hành quân vào Sài Gòn. Trung đoàn 48 do Đại tá Trần Minh Xuân chỉ huy được lệnh đánh vào Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn." Cựu chiến binh Trần Đình Ất nhớ rất rõ buổi sáng lịch sử, ngày 30/04/1975, Đại đội 5 dẫn đầu dùng hỏa lực hai bên hướng vào mục tiêu đã xác định. Sau đó vượt qua cổng chính và sân Bộ tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Giữa làn mưa bom bão đạn, với tinh thần thần tốc, táo bạo, đồng chí Trần Đình Ất và Lại Đức Lưu đi hai bên bảo vệ lá cờ. 3 đồng chí còn lại đưa cờ lên vị trí cao nhất trên Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. "Tổ cắm cờ do đồng chí Trần Đình Ất, Chính trị viên chỉ huy và đại đội trưởng Lưu chỉ huy, cùng 3 đồng chí nữa. Lá cờ rộng, dài lắm, đồng chí tiểu đội trưởng trinh sát cầm lên nhưng nóc nhà Bộ tổng tham mưu cao nhất, sân bay thực thăng của Đại tướng Cao Văn Viên, 5 anh em lên, bác hạ lệnh cho B40, B41 đi theo phòng khi địch bắn vào tổ cắn cờ tiêu diệt anh em mình thì cho hỏa lực đi theo. Lên lúc đầu thì hồi hộp nhưng sau đó sung sướng, xong cắm cờ bay cao lên Bộ tổng tham mưu, dưới thì anh em cảm xúc sung sướng phấn khởi, ôm lấy nhau khóc." Giữa làn mưa bom bão đạn, bằng tinh thần thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng phút, Chính trị viên Trần Đình Ất cùng với những người đồng đội của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hôm nay, 45 năm đã đi qua, những chiến công anh dũng của Đại đội 5 Anh hùng và của Chính trị viên Trần Đình Ất vẫn ngân vang trên mảnh đất xứ Thanh. Đó là câu chuyện về tinh thần chiến đấu dũng cảm của các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thượng Tá Phạm Trí Đính - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 vui mừng, tự hào vì những chiến công của Đại đội 5 đang được kể lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau: "Bác Ất là một người chiến sĩ anh dũng kiên cường trong chiến đấu tham gia cùng với tổ 5 người để cắm cờ trên nóc tổng tham mưu. Ngày nay về với đời thường bác vẫn giữ được bản chất của người lính Cụ Hồ năm xưa, là người gần gũi, tình cảm. Những câu chuyện của bác truyền lại cho thế hệ chúng tôi hôm nay sẽ tiếp lửa để chúng tôi phát huy và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao." Vợ chồng cựu chiến binh Trần Đình Ất luôn trân trọng những kỷ niệm chiến trường Sau giải phóng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cựu binh Trần Đình Ất trở về, sống cuộc sống bình dị bên người bạn đời suốt bao năm đằng đẵng chờ đợi, lo toan cho gia đình, lúc ông còn ở chiến trường. Người cựu binh ấy vẫn luôn đau đáu hướng về đồng đội, những người đã cùng ông làm nên chiến thắng lịch sử 30/04/1975./. Sỹ Đức/VOV1