Đánh thức tiềm năng du lịch Mộ Đức
Khu lưu niệm cố Thủ tướng được xây dựng gần bờ sông Thoa, ngay khu du lịch văn hóa cộng đồng xóm Cây Gạo và xóm Thanh Thủy, xã Đức Tân bên cạnh quốc lộ 1A, hàng năm đón hơn 50 nghìn lượt khách đến thăm. Cách khu lưu niệm không xa là tượng đài chiến thắng Mỏ Cày và ngọn Núi Lớn, một trong những chiến khu của đội du kích Ba Tơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945. Nhà riêng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng Mộ Đức còn được biết đến là vựa lúa mẫu, điển hình của tỉnh Quảng Ngãi, tạo bước đột phá về năng suất theo hướng chuyên canh với mô hình “cánh đồng 20 tấn”. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, vị trí địa lý miền duyên hải Nam Trung Bộ đã ban tặng cho Mộ Đức tới 23km đường bờ biển. Dù chỉ là biển ngang không mấy thuận lợi cho việc đánh bắt nhưng là ngư trường tốt cho nuôi trồng hải sản và tiềm năng phát triển du lịch với những bãi biển đẹp đầy cát trắng dài miên man được tô điểm bởi những cánh rừng dương phòng hộ thẳng tắp tại địa bàn các xã như Đức Lợi, Đức Minh, Đức Phong… Nơi đây còn có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên có thể luộc chín trứng nằm ngay sát quốc lộ 24 và quốc lộ 1A, giữa cánh đồng thôn Thạch Trụ, xã Đức Lân, chưa kể đến các hồ, suối, thác vùng phụ cận như hồ Đá Bàn, Giếng Tiên, Hóc Sằm, thác Mơ… Về với Mộ Đức, một điều dễ dàng nhận thấy đó là sự chuyển mình của bộ mặt thôn quê nơi đây. Hệ thống đường sá giao thông liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa từ hợp tác xã trồng nấm Đức Nhuận ra làng nghề mạch nha truyền thống xã Đức Hòa, trang trại nuôi bò sữa Vinamilk xã Đức Phú rồi làng bánh mè xã Đức Phong tới làng rau hữu cơ An Mô xã Đức Lợi và đến tận khu nuôi trồng thủy sản xã Đức Minh… Sông Thoa, dự án du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo Đặc biệt bà con thôn Dương Quang, xã Đức Thắng trong quá trình canh tác nông nghiệp dưới chân núi Long Phụng, đã tình cờ làm phát lộ các hiện vật bằng gốm thuộc di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con trên địa bàn được nâng cao. Huyện đã thành lập câu lạc bộ hát Bài Chòi, lập đội múa Sắc Bùa, tổ chức lễ hội ngày mùa và hội chợ văn hóa, ẩm thực, làng nghề nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống quê hương. Mang trong mình nguồn tài nguyên thiên nhiên và những giá trị nhân văn quý giá làm tiền đề cho phát triển du lịch văn hóa, nông nghiệp và nghỉ dưỡng sinh thái. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ mới ở dạng tiềm năng, hoang sơ chưa được khai thác một cách hợp lý và hiệu quả. Lãnh đạo huyện cho biết, ngoài khu lưu niệm cố Thủ tướng, các hoạt động du lịch trên địa bàn hiện nay còn rất khiêm tốn. Toàn huyện mới chỉ có một đơn vị có đăng ký chức năng kinh doanh lữ hành, một khách sạn và khoảng 30 nhà nghỉ làm dịch vụ lưu trú. Để đón đầu tuyến đường ven biển Quảng Ngãi – Sa Huỳnh đang được triển khai trên địa bàn, trong đề án phát triển du lịch 2021-2030, huyện quyết tâm phát triển du lịch nông nghiệp, văn hóa cộng đồng, nghỉ dưỡng sinh thái biển và sinh thái nước khoáng nóng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, tạo ra sự khác biệt nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình trên bản đồ du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Theo Tạp chí Du lịch