Cá sấu liên tiếp sổng chuồng ở Cà Mau: Người dân lơ là, quy định thiếu chặt chẽ

Cá sấu liên tiếp sổng chuồng ở Cà Mau: Người dân lơ là, quy định thiếu chặt chẽ

Thời gian qua, người dân ở Cà Mau liên tiếp bắt được cá sấu ngoài môi trường tự nhiên Hai con cá sấu hơn 100 kg sổng chuồng Vụ việc cá sấu sổng chồng gần nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào sáng ngày 31/10. Hai con cá sấu của gia đình bà Nguyễn Mỹ Hạnh (xã Định Bình, TP Cà Mau) đã thoát khỏi chuồng. Ngay sau đó, gia đình đã tìm thấy 1 con khi nó bò gần tới đường lộ trước nhà. Gia đình bà Hạnh tiếp tục huy động người thân, lần tìm con còn lại nhưng không có kết quả. Chiều cùng ngày, gia đình gọi báo chính quyền địa phương để phát cảnh báo đến người dân. Thông tin mỗi con cá sấu nặng trên 50 kg sổng chuồng đã làm xôn xao xóm làng. Bà Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ: "Lo chứ, đêm có ngủ được đâu. Rầu lắm, một con bắt được rồi, còn 1 con chưa thấy. Lội đi kiếm dữ lắm mà không thấy rồi điện cho chính quyền xã để thông tin đến bà con. Bà con cũng lo sợ hạn chế đi lại, còn những người đi vuông, đổ lú họ cũng cảnh giác". UBND xã Định Bình phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm thông báo tình hình đến từng hộ dân trên địa bàn ấp Cái Rô – nơi cá sấu sổng chuồng. Thông tin cá sấu ở ngoài môi trường tự nhiên cũng liên tiếp được phát trên các loa phát thanh của xã để người dân nâng cao cảnh giác. Công tác tìm kiếm được mở rộng nhưng vẫn không có kết quả. Hai ngày hôm sau, hộ dân nuôi tôm liền kề gia đình bà Hạnh đã phát hiện con cá sấu khi nó đang chuẩn bị bò từ vuông tôm lên đường lộ. Hộ dân này dùng chài để bắt lại, hàng chục người dân đã đến xem. Khi tận mắt chứng kiến 2 con cá sấu nặng hơn 100 kg nằm trong chuồng họ mới thở phào nhẹ nhõm. Hai con cá sấu nặng hơn 100 kg của gia đình bà Mỹ Hạnh đã được tìm thấy Nguyên nhân cá sấu thoát ra, được gia đình bà Mỹ Hạnh lý giải, do tấm lưới che nắng bị đứt dây rơi xuống chuồng và cá sấu theo đó leo ra. Hiện tại, gia đình bà Hạnh đã rào thêm lưới sắt trên mặt chồng cao 1,6 mét để đảm bảo hai con cá sấu, không thể ra ngoài. Còn về phía chính quyền địa phương, việc rà soát, kiểm tra an toàn chuồng trại nuôi động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng đang tiếp tục được triển khai. Ông Đặng Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Định Bình cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu hộ nuôi phải gia cố chuồng trại, rào lưới sắt để cá sấu không thể ra ngoài. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo xuống các ấp rà soát tất cả các hộ nuôi động vật hoang dã nói chung, các sấu nói riêng trên địa bàn. Nắm thật chặt, hộ nào, ở đâu, nuôi con gì, trọng lượng, số lượng bao nhiêu. Chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề nuôi cá sấu". Người dân lơ là, quy định chưa chặt Trước khi phát hiện vụ việc nêu trên, người dân xã Tân Phú, huyện Thới Bình và xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cũng đã bắt được 2 cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên. Cơ quan chức năng địa phương đều đánh giá, đây là những cá thể cá sấu bị sổng chuồng. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, để được thả nuôi cá sấu, người dân phải đăng ký với Hạt Kiểm lâm huyện, đối với những huyện không có hạt kiểm lâm thì trực tiếp đăng ký tại Chi cục Kiểm lâm. Hộ nuôi phải chứng minh được nguồn gốc cá nuôi và phải xây dựng chuồng trại theo quy định trong Nghị định 06/2019 “Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Nghị định 06 quy định như sau: “Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh”. Điều kiện cụ thể về chuồng trại như thế nào để đảm bảo an toàn chưa được nêu rõ. Quy định về gây nuôi, quản lý cá sấu hiện nay còn thiếu chặt chẽ Còn tiêu Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 “về quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt” do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ban hành thì cũng chỉ quy định rất chung chung. Như quy định về nuôi cá thương phẩm thì chuồng phải xây dựng bằng bê tông cốt thép, cao bao nhiêu thì không rõ. Tuy nhiên, hàng rào sắt bên ngoài thì được quy định cao 1,5 mét. Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định về việc nuôi cá sấu mà quản lý lỏng lẻo, để sổng chuồng thì phải xử lý như thế nào. Người dân phải làm sao, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương có chức năng, nhiệm vụ gì, chưa rõ. Trước thực trạng phát hiện nhiều cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng trên địa bàn. Ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, bên cạnh việc thông tin rộng rãi trên báo, đài, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn thì hộ nào không đăng ký nuôi hay con nuôi không có nguồn gốc theo quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm. Ông Hải cho biết: "Sau khi tỉnh có chỉ đạo chúng tôi đã thực hiện kiểm tra ngay các cơ sở, hộ gia đình có nuôi động vật hoang dã, trong đó có cá sấu. Tiến hành ngay việc gia cố chuồng trại để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối, không để xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng gây lo sợ cho người dân như vừa qua". Chỉ trong vòng nửa tháng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 3 vụ cá sấu sổng chuồng. Thực trạng này đã gây hoang mang dư luận. Để bảo vệ mình và cộng đồng, người nuôi cá sấu cần tuyệt đối chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn. Hiện nay, cũng rất cần những quy định cụ thể để việc gây nuôi của người dân và quản lý của cơ quan chức năng hiệu quả hơn./. Trần Hiếu/VOV ĐBSCL

Có thể bạn quan tâm:

  • Bình Phước duy trì 62 chốt kiểm soát dọc biên giới để phòng chống dịch Covid-19
  • Đánh thức tiềm năng du lịch Mộ Đức
  • Những món ngon nổi tiếng Bắc Kạn
  • Bán đảo Sơn Trà
  • Các homestay ở Du Già rất cần được "tiếp sức"
  • Ngỡ ngàng hồ sen ở Hang Múa nở rộ giữa trời Thu
  • 3 đặc sản khó quên ở quê hương tiền vệ Phạm Đức Huy
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại “Phiên chợ ngày Tết” sắp diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng
  • Hải Dương: Phát triển du lịch chất lượng cao hậu Covid-19, phấn đấu đón 17 triệu khách vào năm 2050
  • Ẩm thực xứ Nẫu