Mát dịu với vẻ trong xanh, tĩnh lặng của hồ Kẻ Gỗ

Mát dịu với vẻ trong xanh, tĩnh lặng của hồ Kẻ Gỗ

Mấy tháng nay, Hà Tĩnh và các tỉnh bắc miền Trung trải qua những đợt nắng hạn gay gắt, nhưng hồ Kẻ Gỗ vẫn mênh mông, hùng vĩ dù nước đã cạn đi nhiều. Những “đồi núi lô nhô” như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã miêu tả trong bài ca đã đi cùng năm tháng “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, nay đã biến thành những hòn đảo lớn, nhỏ, cây xanh phủ kín. Nước cạn để lộ những triền đồi cát sỏi trông như những bãi biển nho nhỏ. Chốc chốc, vài chiếc thuyền chở du khách rẽ nước trên mặt hồ, làm khung cảnh thêm sinh động, hữu tình. Hồ đẹp khi mùa mưa đầy nước, nhưng cũng đẹp vào mùa nắng hạn như hôm nay. Bên kia con đập, một kênh nhân tạo vẫn đầy ắp dòng nước trong xanh từ hệ thống bơm trong hồ, chảy dài tít tắp qua những đồng lúa, rừng keo mướt mát. Một góc hồ Kẻ Gỗ Để có được những “dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm”, người Hà Tĩnh, đặc biệt là những chàng trai, cô gái cách đây hơn 40 năm đã đổ mồ hôi, công sức “đắp hồ xây đập” chặn dòng nước ngọt của sông Rào Cái. Hồ vừa là nguồn nước quý giá cho sản xuất và đời sống của hàng trăm nghìn dân, vừa trị thủy, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa. Câu chuyện về công trình xây hồ Kẻ Gỗ được thể hiện phần nào trong những bức ảnh, những bảng giới thiệu mà du khách có thể tìm hiểu sau khi đi bộ qua một cây cầu hình vòng cung mềm mại, lên viếng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong ngôi đền trên một ngọn đồi. Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ra ở Quảng Trị nhưng quê gốc của ông là làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đã sát sao chỉ đạo, động viên cổ vũ và trực tiếp kiểm tra việc thi công công trình đại thuỷ nông Kẻ Gỗ. Những giai thoại về công cuộc xây hồ Kẻ Gỗ chúng tôi còn được nghe từ chính những người từng lăn lộn trên đại công trường này. Hôm nay không phải ngày kỉ niệm hay lễ hội nào nhưng nhiều xe lớn nhỏ liên tiếp chở các đoàn du khách đến tham quan hồ và thăm viếng đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nhiều người chụp cho nhau hoặc selfie (tự chụp) những góc ảnh ưng ý nhất, như đang về với những kỷ niệm một thời. Nghe giọng nói và câu chuyện của họ có thể đoán trong những đoàn du khách khắp các miền hôm nay về đây có không ít các ông, các bà đang cùng bạn bè, người thân trở lại nơi họ từng “phá đá”, “đào sỏi” suốt 4 năm trời, từ 26/3/1976 đến khi khánh thành hồ ngày 26/3/1980. Chắc cũng đã có không ít những mối tình đẹp, những cặp đôi nên vợ nên chồng từ những ngày tháng cực nhọc nhưng tràn đầy khí thế trên công trường Kẻ Gỗ! Hồ Kẻ Gỗ trải dài 30km trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê. Với trữ lượng hơn 300 triệu m3 nước, hồ cung cấp nước tưới cho gần 17.000 ha lúa và hoa màu của các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và phía bắc huyện Kỳ Anh. Đặc biệt, gắn với hồ là Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35.159 ha với hệ thực vật và động vật rất phong phú, một địa điểm đáng được phát triển để thu hút du khách. Nghe nói, tỉnh Hà Tĩnh có kế hoạch kêu gọi đầu tư để xây dựng hồ Kẻ Gỗ thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình nghỉ ngơi, giải trí. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh qua 20 km về phía tây nam, hoặc từ nơi nghỉ ngơi tắm biển Thiên Cầm, chỉ cần chưa tới 30 phút trên ô tô là du khách có thể đến vãn cảnh hồ Kẻ Gỗ, một điểm đến đáng để khám phá! Hồ Kẻ Gỗ nhìn từ Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn Một góc hồ Kẻ Gỗ Nhiều người từng tham gia xây dựng hồ Kẻ Gỗ nay về thăm lại nơi đây cùng những người thân Hơn 6 vạn người từng tham gia "phá đá", "đào sỏi" trên công trường Kẻ Gỗ Nhiều người từng tham gia xây dựng hồ Kẻ Gỗ nay về đây thăm hồ Những cánh đồng, cánh rừng được những "dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm" từ nước hồ Kẻ Gỗ Một trạm bơm nước lòng hồ Kẻ Gỗ Bàn thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn trong đền thờ Tổng Bí thư trên một ngọn đồi ở hồ Kẻ Gỗ Hồ Kẻ Gỗ là một hồ chứa nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; hiện là hồ nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Nằm cách thành phố Vinh 70 km về phía nam, hồ Kẻ Gỗ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước. Hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái, mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính. Ngày 26/3/1976, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ trên mảnh đất nóng bỏng khô cằn của các huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà được chính thức khởi công xây dựng. Hơn 6 vạn người gồm dân công, thanh niên xung phong, công nhân các công ty thủy lợi, đơn vị xây dựng, giao thông tham gia xây dựng. Hồ Kẻ Gỗ càng trở nên nổi tiếng hơn nhờ bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ca khúc ra đời năm 1976, được ca sĩ Thu Hiền và Kiều Hưng, Thu Hiền và Duy Thường trình bày đầu tiên, đã trở thành một trong những ca khúc kinh điển của dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Bài và ảnh: Lê Duy Truyền/ baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Những ngôi nhà cổ độc đáo trên đất Bình Dương
  • Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang
  • Khu du lịch sinh thái biển Hòn Cau - Bình Thuận
  • 6 chốn săn mây lý tưởng ở Đà Lạt
  • Truyền dạy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở Mường Lò
  • Phố cổ Nam Định
  • Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao đỏ là di sản văn hóa
  • Những con đường ngập sắc hoa ở Sóc Trăng
  • Khánh Hòa: Đón khách quốc tế phải đảm bảo an toàn
  • Hội đèn lồng rực rỡ trong đêm 'Chung tay thắp sáng Hội An'