Những ngôi nhà cổ độc đáo trên đất Bình Dương
Lưu dấu xưa Mặc dù có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng nhưng thời gian qua, Bình Dương vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa cổ xưa. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có một số ngôi nhà cổ rất có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Theo đó, tỉnh có 5 ngôi nhà cổ được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia gồm: Nhà cổ Trần Công Vàng và nhà cổ Trần Văn Hổ (ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) và 3 di tích cấp tỉnh gồm: Nhà cổ Nguyễn Tri Quan (phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một), nhà cổ Đỗ Cao Thứa và nhà cổ Dương Văn Hổ (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên). Nhà cổ Trần Văn Hổ ở đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh, hầu hết nhà cổ ở Bình Dương đều được xây dựng trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Để hình thành nên những ngôi nhà cổ giá trị, chủ nhân ban đầu của những ngôi nhà này phải cất công xây dựng trong nhiều năm vì quá trình xây dựng rất phức tạp đòi hỏi tay nghề người thợ phải cao và rất công phu. Chi phí để làm một ngôi nhà cổ rất cao, thế nên chỉ những người thuộc tầng lớp quý tộc hay những nhà giàu có đủ tiền làm được. Điều này không chỉ phản ánh nếp sống sinh hoạt của người Bình Dương trước đây mà còn thể hiện sự sung túc cũng như địa vị của gia chủ. Những ngôi nhà cổ trên đất Bình Dương đã trở thành điểm đến tham quan thú vị, hấp dẫn của nhiều du khách gần xa, đặc biệt là những người đam mê, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật trang trí xưa trên đất Bình Dương. Khám phá thú vị Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngôi nhà cổ ở Bình Dương, có lẽ đẹp và độc đáo nhất vẫn là 2 ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ và Trần Công Vàng ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được hình bóng thời gian xưa như đang quay lại và in dấu trong những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi này. Dọc theo đường Bạch Đằng, đoạn ngang qua chợ Thủ, ngôi nhà cổ Trần Văn Hổ (số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) ngày ngày bình yên, lặng lẽ soi bóng bên dòng sông Sài Gòn hiền hòa. Ngôi nhà đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993, được xem là ngôi nhà cổ có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật và trang trí. Ngôi nhà được cha của ông Hổ là cụ Trần Văn Lân xây dựng vào năm 1890, hoàn thành vào năm 1893. Sau này, con cháu của chủ nhà đều chuyển ra nước ngoài sinh sống, nên ngôi nhà do Nhà nước quản lý. Ngôi nhà được làm nên từ các loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ, trắc... nên rất chắc chắn và tồn tại vững chãi qua thời gian. Điều ấn tượng nhất là bên trong nhà với cách bài trí các vật dụng, lối trang trí hoa văn và các câu liễn, đối treo rất đẹp. Nhà cổ Trần Văn Hổ có 3 gian, 2 chái. Trong nhà có đến 36 cột gỗ tròn, tạo cho ngôi nhà một sự cứng cáp, vững chãi. Phần thể hiện rõ nét cuộc sống của chủ nhân ngôi nhà chính là những vật trang trí, từ bàn ghế đến các tủ thờ, các bức hoành phi, câu đối, trường kỷ, ván nằm... không chỉ có tuổi đời rất lâu mà còn chứa đựng giá trị mỹ thuật và kinh tế cao. Ngôi nhà không chỉ thể hiện sự sung túc, địa vị của gia chủ mà còn phản ánh phần nào nếp sinh hoạt của người Bình Dương xưa. Cách đó không xa là di tích nhà cổ Trần Công Vàng ở số 21 đường Ngô Tùng Châu, nằm khuất sâu bên trong khu vực chợ Thủ Dầu Một và được xem là ngôi nhà cổ xưa bậc nhất trên đất Bình Dương. Ngôi nhà đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993. Hiện gia đình chị Trần Thị Ánh Tuyết (con gái của ông Trần Công Vàng) đang sống ở đây và trông coi, giữ gìn ngôi nhà. Chị Tuyết cho biết, ngôi nhà do ông Trần Văn Long xây dựng từ năm 1889 đến 1892, đến chị là đời thứ 5. Nhà cổ Trần Công Vàng được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ đinh nghịch (tức phần nhà ngang nằm bên trái nhà trên, thay vì nằm bên phải như thường lệ), gồm nhà trên và nhà dưới (nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình chủ nhà). Nhà trên được xây dựng theo kết cấu 5 gian 2 chái. Toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều được làm từ các loại gỗ quý như: Sao, cẩm lai, quỳnh đường, mun… Điểm đặc biệt là tất cả các hạng mục làm nên ngôi nhà đều được lắp ráp, kết dính với nhau bằng hệ thống mộng gỗ nhưng rất vững chắc. Điều đó chứng tỏ, tay nghề của những người thợ gỗ xưa trên đất Bình Dương rất cao, kỹ thuật cũng rất tinh vi. Đến đây, du khách còn có dịp tìm hiểu rõ hơn về phong cách trang trí cổ truyền của gia đình người Việt xưa qua những hình ảnh, đường nét hoa văn được chạm trổ, sơn thiếp, cẩn xà cừ hết sức công phu, tinh tế bên trong ngôi nhà. Ngoài những giá trị về mặt nghệ thuật, nhà cổ Trần Công Vàng còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Trong nhà, hiện nay vẫn còn khá nhiều cặp liễn, đối viết bằng chữ Hán trang trí có ý nghĩa về văn hóa, thể hiện quan niệm sống của người xưa. Về với Bình Dương hôm nay, bên cạnh những khu, cụm công nghiệp sôi động, thấp thoáng đâu đó là những ngôi nhà cổ trầm mặc, bình yên. Những di tích này đã được ngành du lịch Bình Dương đưa vào kế hoạch khai thác các tour, tuyến du lịch. Hy vọng, khi dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát ổn định, những di tích nhà cổ sẽ trở thành điểm đến tham quan thú vị không chỉ với du khách trong nước mà cả du khách quốc tế khi đến Bình Dương. Theo Báo Bình Dương