Phố cổ Nam Định
Phố cổ Nam Định xưa kia có tới 40 phố, trong đó 35 phố mang tên "Hàng" như Hàng Bát, Hàng Kẹo, Hàng Mâm, Hàng Tiện, Hàng Ghế, Hàng Sắt, Hàng Đồng,... Những con phố nhỏ nằm sát ngôi thành cổ và trải dài theo ven bờ sông Vị Hoàng (sông Đào, hay còn gọi là sông Nam Định) gắn liền với gần 800 năm phát triển của Thành Nam cùng các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, thời kỳ Pháp thuộc và cho đến ngày nay. Bản đồ phố cổ Nam Định xưa. Ảnh: Tư liệu tỉnh Nam Định Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hoá và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho một đô thị Nam Định sau này. Trong suốt thời kỳ lịch sử từ Thiên Trường cho đến Nam Định ngày nay, vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Phố cổ Nam Định thời Pháp thuộc. Ảnh: Tư liệu tỉnh Nam Định Phố cổ Thành Nam xưa ra đời chỉ sau phố cổ Hà Nội, cũng đẹp và sầm uất không kém Hà Nội 36 phố phường, hay phố cổ Hội An. Kiến trúc phố cổ Thành Nam là sự giao thoa giữa kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc nhà liền kề mặt phố của đô thị cổ, kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc phương Tây. Một góc phố cổ Thành Nam. Tintucnamdinh.vn Hiện nay, chỉ còn một vài con phố còn mang tên cổ như: Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Sắt,... còn lại phần lớn đã được đổi tên. Các khu phố không còn buôn bán những mặt hàng truyền thống, tuy nhiên nó vẫn còn giữ được dáng vẻ cổ kính và in dấu một thời vàng son nơi đây. Đây là nét đặc sắc hiếm thấy mà không phải đô thị xưa nào ở Việt Nam còn giữ lại được. Hoài Nam