Thưởng thức bánh tráng nướng, món quà vặt nổi tiếng xứ ngàn hoa Đà Lạt
Bánh tráng nướng Đà Lạt được đùa vui ví von bằng tên gọi "pizza Việt" Thời tiết Đà Lạt quanh năm ôn hòa, không khí trong lành, mát lạnh nên không khó hiểu khi các món nướng - lẩu luôn nằm trong danh sách ưu tiên của nhiều người khi đến đây. Thật ngạc nhiên là một thức quà vặt đường phố như chiếc bánh tráng nướng nhỏ bé lại có sức hấp dẫn du khách nhất, chứ không phải món ăn "sơn hào hải vị" nào khác ở Đà Lạt. Người ta có thể ăn nó buổi trưa, ăn tối, bữa xế, ăn lúc dạo phố đêm… bất cứ khi nào trong ngày. Có một quy luật ở các thành phố du lịch là các món ăn nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến, thường lại ít được người dân bản địa hay chung quanh ăn. Nhưng quy luật đó lại không đúng với món bánh tráng nướng, một món được coi là tinh hoa ẩm thực đường phố của "riêng" Đà Lạt, dù ngày nay nó có ở khắp nơi. Dạo một vòng quanh thành phố, các trường học, khu dân cư, chợ Đà Lạt, đặc biệt đường Nguyễn Văn Trỗi... bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những gánh xe đẩy, những quầy hàng nhỏ luôn đỏ lửa, vây chung quanh là những du khách, chen lẫn người địa phương, những cô cậu học trò nhỏ, những đôi lứa yêu đương... đang đợi đến lượt mình thưởng thức. Một trong rất nhiều hàng bánh tráng nướng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, khu Hòa Bình, chợ Đà Lạt. Phần đông các gian hàng đều chiếm diện tích khiêm tốn, đứng bếp là các bà, các mẹ, các chị người Đà Lạt Sở dĩ có tên gọi "pizza Việt" là vì hình thức của nó, ở phần đế bánh, cũng là phần đặc biệt nhất mang thuần nguyên liệu Việt Nam. Đó là những chiếc bánh tráng mỏng tang, một món ăn thường được dùng để cuốn chấm hoặc gói nem rán. Nhân bánh thì tương đối đơn giản dù khá đa dạng thành phần và hương vị. Đầu tiên, chiếc bánh tráng nguyên bản sẽ được bôi phết một lớp mỡ hành phi, rồi đem lên vỉ than nóng. Sau đó đập vỡ trứng trộn thêm một lớp hành lá xanh thái nhỏ, nhanh tay dải đều trên bề mặt bánh. Vì chiếc bánh tráng khá mỏng nên các công đoạn đòi hỏi tốc độ, sự khéo léo cũng như căn chỉnh thời gian hợp lý để chiếc bánh vàng đều, chín giòn và đẹp mắt. Người đầu bếp vừa phải một tay quạt than, một tay cầm bánh xoay đều chừng một phút cho đến khi trứng hành chín thơm thì lúc đó mới là thời điểm cho các nguyên liệu khác vào. Ban đầu, người Đà Lạt ăn bánh tráng nướng rất đơn giản, chỉ có bánh tráng nướng trứng mỡ hành, sau dần để phục vụ nhu cầu sở thích của người ăn cũng như sự sáng tạo của người bán mà món bánh tráng nướng ngày nay đã rất phong phú về nguyên liệu: có thể là bò khô, chà bông, pate, xúc xích, thịt gà, phô mai... tha hồ lựa chọn. Một chiếc bánh tráng nướng hoàn chỉnh khi đến tay thực khách luôn nóng hôi hổi, đầy đủ sắc vị, từ màu vàng của trứng, pha sắc xanh của hành lá hoặc đỏ của bò khô, xúc xích, hoặc trắng của thịt gà, phô mai... có lẽ vì thế nó càng trông giống một chiếc pizza phiên bản nhỏ nhưng hoàn toàn là hương vị và biến tấu của người Việt. Bạn có thể ngồi ăn tại chỗ hoặc nhờ chủ hàng cuộn tròn lại như chiếc ống rồi xách đi dạo phố tiếp, rất tiện và giá cả đặc biệt rất rẻ, chỉ từ 12.000 - 30.000 đồng tùy nguyên liệu. Dù đã có mặt ở nhiều nơi nhưng ai cũng phải công nhận bánh tráng nướng chỉ ngon nhất ở Đà Lạt, khi nó phù hợp nhất với khí hậu mát lạnh của phố núi. Còn gì tuyệt vời hơn sau một ngày tham quan thành phố, dạo chân quanh Hồ Xuân Hương, bạn được dừng chân ở một góc nhỏ bên chợ, ở một hẻm nhỏ, một hàng xe đẩy... thưởng thức những miếng bánh tráng nướng bốc hơi nóng hổi, giòn rụm trong không gian khí hậu tuyệt vời của thành phố ngàn hoa. Hạ Du/nhandan.com.vn