Thái Nguyên bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa

Thái Nguyên bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa

Xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương có 95% đồng bào dân tộc Sán Chay sinh sống. Nơi đây, người Sán Chay vẫn giữ được vẹn nguyên nét văn hóa truyền thống lâu đời, trong đó nổi tiếng là làn điệu múa Tắc Xình. Năm 2013, huyện Phú Lương chọn và cử nhóm Nghệ nhân trong Câu lạc bộ múa Tắc Xình xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh tham gia Liên hoan Dân ca - Dân vũ Việt Nam và đã xuất sắc đoạt giải A toàn quốc. Năm 2014, múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Hầu Văn Nhân, Trưởng xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh chia sẻ, múa Tắc Xình là điệu múa gắn liền với nghi thức lễ cầu mùa được người dân tộc Sán Chay lưu giữ, bảo tồn hàng trăm năm nay theo hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp. Để phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như bảo tồn nét đẹp của dân tộc mình, năm 1996, xóm Đồng Tâm đã thành lập Câu lạc bộ múa Tắc Xình. Đến nay, câu lạc bộ vẫn được duy trì, thường xuyên tổ chức hoạt động truyền dạy cho các thế hệ, trình diễn phục vụ khách du lịch tại địa phương. Các nghệ nhân biểu diễn múa Tắc Xình trên phố đi bộ ở Hà Nội. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đưa điệu múa Tắc Xình đến với công chúng ở Hà Nội (Ảnh chụp trước dịch) Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, hầu hết các thôn, xóm có đông người dân tộc Sán Chay sinh sống đều có Câu lạc bộ múa Tắc Xình để duy trì truyền dạy cho các thế hệ kế cận. Đặc biệt, từ năm học 2013-2014, múa Tắc Xình đã được huyện Phú Lương đưa vào chương trình ngoại khóa tại các Trường học trên địa bàn để truyền dạy cho học sinh. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2019. Bên cạnh đó, Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, trong đó có 283 di tích đã được xếp hạng với 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích cấp quốc gia và 218 di tích cấp tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Sở đã tích cực phối hợp với các huyện, nhân dân các dân tộc bảo tồn, phục dựng thành công nhiều di sản, di tích lịch sử văn hóa như khôi phục, phát huy loại hình nghệ thuật Rối cạn Thẩm Rộc (huyện Định Hóa); phục dựng lễ hội Đền Đuổm (huyện Phú Lương); xây dựng, vận hành mô hình du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày, Bản Quyên (huyện Định Hóa). Múa Tắc Xình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đưa điệu múa Tắc Xình đến với công chúng ở Hà Nội (Ảnh chụp trước dịch) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với các ngành, địa phương triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” vừa được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, tỉnh sẽ số hóa toàn bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa từ 10 - 15 di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, đề án sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10 - 15 mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng; xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa. Đối với di sản văn hóa vật thể, tỉnh tích cực rà soát, kiểm kê phân loại xác định giá trị và cấp độ bảo tồn sơ bộ các di tích; số hóa 100% hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh. Có từ 3-6 làng, bản văn hóa truyền thống được đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững theo mô hình Bảo tàng sinh thái và Bảo tàng cộng đồng. Đồng thời, tỉnh xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa... VOVTV/TTXVN

Có thể bạn quan tâm:

  • Phát hiện xã thứ 4 ở Gia Lai có ca bệnh bạch hầu
  • Đã mắt, ngon miệng với "Món ngon Bình Thuận"
  • Lễ hội hoa Sun World Hạ Long
  • Khu Du lịch quốc gia Mẫu Sơn đón khách trở lại
  • Mũi Cà Mau
  • Về Quảng Trị ngắm làng sen Phương Sơn nở bừng trong nắng hạ
  • Đỉnh Pha Luông
  • Không tổ chức các hoạt động phần Hội tại Lễ hội Đền Hùng
  • Dừng hoạt động du lịch cưỡi voi ở Đắk Lắk
  • Choáng ngợp với đêm tiệc cưới phong cách thổ dân của tỷ phú Ấn Độ tại Phú Quốc