Thác Tiên thiếu nữ mộng mơ

Thác Tiên thiếu nữ mộng mơ

Thác Tiên (còn gọi là thác Táng Tinh) nằm ở địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, cách trung tâm thị trấn Cốc Pài 17km. Thác Tiên bắt nguồn từ suối Tả Ngán (tỉnh Lào Cai) ở độ cao trên 1.403m. Khi chảy qua thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, dòng nước thả mình qua vách núi Đèo Gió tạo thành một dòng thác đôi đẹp tựa như mái tóc người con gái miền sơn cước. Thác Tiên hoà mình vào khung cảnh hoang sơ của một khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Trước đây, con thác này ít được du khách tứ phương biết đến do không có đường đi xuống, người dân nơi đây thường phải bám cây rừng rạp tìm đường đi. Từ những bậc thang xi măng rộng được xây lên, đến nay việc đi lại khá dễ dàng. Để tham quan chinh phục thác, bạn chỉ mất vài phút men theo những bậc thang dốc dần, du khách sẽ được chứng kiến một thảm thực vật nguyên sơ quý hiếm, thảo mộc, nấm, phong lan rừng và hàng trăm loại gỗ “khổng lồ” hiện ra trước mắt đẹp lộng lẫy và mê hồn. Du khách đang ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nên thơ của hoa, cỏ thiên nhiên thì tiếng nước đổ vọng gần sẽ đưa bạn trở về thực tại. Trước mắt là dòng thác Tiên huyền thoại xinh đẹp. Hơi lạnh tràn ngập khắp không gian và làn nước trong lành, trắng xoá, tươi mát từ con thác chốc chốc lại được gió thổi đi, cứ ngỡ như mưa bụi. Đổ xuống từ độ cao 70m giữa khu rừng già hàng nghìn năm tuổi, thác Tiên không hung dữ, ồn ào mà nhẹ nhàng trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, mang đến cho du khách bầu không khí mát lạnh nhờ những hạt nước nho nhỏ lan toả theo làn gió thổi quanh chân thác. Nước dưới chân thác cứ bình lặng, trong vắt, nhìn thấy tận đáy. Suối rất nông nên bạn cứ tha hồ xuống chơi đùa, check in thoải mái nhưng nước rất lạnh nên chỉ đứng vài phút sẽ thấy lạnh cóng ngay. Năm này qua tháng khác, dòng nước chẳng khi nào cạn, mùa mưa hay mùa khô đều êm ả, nhẹ nhàng, dịu dàng như vậy. Không bao giờ lao xuống từ trên vách núi nhưng mặt hồ nhỏ đón nước dưới chân thác chỉ gợn sóng lăn tăn. Chính vì thế mà thác Tiên có nhiều tên gọi khác nhau thác Táng Tinh (tiếng Nùng); thác Gió. Đây chính là nơi đầu nguồn của con suối Tả Lán chảy về thôn Nấm Dẩn, nơi có bãi đá nổi trứ danh ở Hà Giang. Thác có lưu lượng nước khá ổn định, quanh năm cung cấp và điều hoà nước tưới tiêu cho người dân quanh vùng và nơi phòng hộ đầu nguồn quan trọng ở xã Nấm Dẩn. Có một cây cầu ximăng được xây vắt qua suối, từ đây bạn có thể men theo lối đi ximăng có tay vịn để khám phá một vòng suối và chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang sơ, rừng rậm rạp. Ở cuối dòng suối là con đập chắn ngang, nơi dòng nước lẳng lặng trôi qua rồi bất ngờ đổ ào xuống bên dưới. Có những ụ tròn để du khách tham quan đi qua đập dễ dàng. Bạn có thể cởi giày ra hoặc đi chân trần trong làn nước mát lạnh sẽ cho bạn cảm giác thú vị. Vào dịp lễ, cuối tuần, người địa phương, du khách thường đến đây cùng bạn bè, người thân để picnic, vui chơi, khám phá thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ và hưởng thụ bầu không khí trong lành. Càng tuyệt vời hơn, du khách sẽ được hoà mình vào một không gian yên tĩnh với những hình ảnh bình dị, gần gũi của đồng bào người Nùng nơi đây. Dưới chân thác, dòng nước hiền hoà hơn bởi các mỏm đá chặn lại và từ từ chảy vào hố sâu, giữa không gian bao la bạn cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ trước màu xanh của cánh rừng già nguyên sơ ôm lấy dòng nước bạc vừa ẩn hiện trong cánh rừng cây to lớn. Ở con thác này chẳng có mùa hè hay mùa đông, bất kể mùa nào du khách đến đây cũng tìm được bầu không khí mát mẻ, thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ. Chính là địa điểm thư giãn lý tưởng giúp du khách quên đi những muộn phiền, căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi. Anh Vũ, theo Báo Du lịch

Có thể bạn quan tâm:

  • Cù Lao Dung: hòn đảo xanh
  • Quán cafe màu hồng như “giấc mộng thiếu nữ” giữa lòng Sài Gòn
  • Tháng 5 - Dịu dàng sắc tím bằng lăng
  • Đã tìm ra thác nước đẹp nhất Tây Nguyên lên hình “ảo” như cổ tích, vậy mà đó giờ lại hiếm người biết đến vậy
  • Gỏi lá Kon Tum: Món ngon ăn một lần là say
  • Mẫu Sơn trắng xóa trong băng giá
  • Đến Phú Yên thưởng thức "bánh hỏi lòng heo"
  • Đà Bắc
  • Lên Sìn Hồ ăn canh gà lá thuốc người Dao
  • Đà Lạt đẹp lịm tim với "con đường Hàn Quốc"