Săn đặc sản ở rừng đước nơi cực Nam Tổ quốc
Những cánh rừng đước đặc trưng tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở Mũi Cà Mau. Cà Mau được mệnh danh là nơi “lắm tôm, nhiều cá” của cả nước. Với lợi thế thiên nhiên, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt xen lẫn những cánh rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, đây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Mũi Cà Mau thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Với vị trí địa lý đặc biệt, 3 mặt giáp biển cùng nguồn tài nguyên quý giá với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước, đến đây du khách có thể đi ca nô vào các điểm du lịch sinh thái cộng đồng để tham quan, ăn uống và trải nghiệm. Du khách được trải nghiệm câu cá thòi lòi. Đến với vùng đất nơi cực Nam trên đất liền của Tổ quốc, du khách còn được trải nghiệm săn đặc sản rừng đước và ăn những món ăn dân dã của người dân bản xứ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau mà không phải địa phương nào trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có được. Du khách trên đường đến Khu du lịch Đất Mũi có thể ghé qua trạm dừng chân của anh Lê Minh Tỵ, chủ cơ sở kinh doanh mang tên điểm dừng chân du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ (ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) sẽ được hướng dẫn viên đưa đi tham quan trong rừng đước, soi cá thòi lòi, bắt ba kía, đặt lọp cua... Đến với đất Mũi Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch sinh thái thú vị như đi vỏ lãi (một loại thuyền máy hoặc xuồng, ghe nhỏ có gắn máy) len lỏi trong rừng đước xanh mát, thanh bình, tự tay giỡ lọp cua, bắt ốc len hay đi soi bắt ba khía vào ban đêm. Mò ốc trong rừng đước. Với chiếc đèn pin nhỏ đeo trên đầu, hướng dẫn viên sẽ cùng du khách bắt đầu hành trình đi vào rừng đước soi bắt đặc sản. Phát hiện con ba khía, hướng dẫn viên nhanh chóng lội xuống nước rồi tiến đến chụp bắt. Anh Lê Thái Nguyên - hướng dẫn viên điểm dừng chân Du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ, chia sẻ: Muốn đi bắt ba khía phải đi vào ban đêm và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết như bao tay để ba khía không kẹp, can nhựa được khoét một lổ nhỏ để đựng ba khía và một chiếc đèn pin đeo trên đầu... Sau khi bắt được ba khía, cá... sẽ được cho vào những chiếc can nhựa. Theo anh Nguyên, khi khách tới điểm dừng chân, anh sẽ dẫn khách đi tham quan trong rừng đước, soi cá thòi lòi, ba kía, đặt lọp cua... Chuyến trải nghiệm thường kéo dài khoảng 2 – 3 giờ. Sau chuyến trải nghiệm, những con ba khía, cua, cá... bắt được sẽ đem đi chế biến và ăn tại chỗ. Phát hiện con cua biển đang nằm trong rễ cây đước, anh Lê Thái Nguyên nhanh chóng lội xuống nước, tiến đến gần nhanh tay chụp bắt. Cá rô thường bơi len lỏi trong rễ cây đước nên bắt rất khó. Để bắt được cá, anh Lê Thái Nguyên phải mang theo một con dao và dùng sống dao chém vào con cá rồi mới mò bắt. Những con cá rô phi bắt được trên chuyến đi trải nghiệm. Ngoài săn ba khía, cua, cá... trong chuyến trải nghiệm còn bắt được cả lươn và rắn nước. Những con ba khía bắt được trong chuyến trải nghiệm được chủ quán mang đi luộc, ăn cùng nước chấm cơm mẻ đậm chất miền quê. Ngoài trải nghiệm săn đặc sản rừng đước, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị của người dân bản xứ, mang nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau. Mạnh Linh/baotintuc.vn