Rộn ràng mùa trung thu ở làng làm mặt nạ giấy bồi
Những ngày này, không khí mùa Tết Trung thu sớm đã xuất hiện ở làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), với những mặt hàng đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, đầu lân đang được những người thợ thủ công lành nghề tất bật làm ra với số lượng lớn. Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi hoàn chỉnh được làm chắc chắn, nét vẽ sắc nét, tỉ mỉ. Mặc dù hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi được vẽ và làm hoàn toàn bằng tay nhưng những chiếc mặt nạ vẽ ra đều tương đối đều nhau và rất “có hồn”. Người dân làng Ông Hảo tất bật với các công đoạn sản xuất mặt nạ giấy. Mỗi một chiếc mặt nạ được làm từ một chiếc khuôn xi măng khác nhau, người thợ đặt từng lớp giấy lên và quét hồ. Mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc nhưng giản dị, mang đậm nét truyền thống của làng nghề đồ chơi Trung thu. Tưởng chừng như đã bị lãng quên theo thời gian nhưng những năm gần đây, các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống được làm thủ công đã tìm lại được vị thế của mình, trong đó có làng đồ chơi Ông Hảo. Các sản phẩm khá đa dạng, giá các loại sản phẩm tùy thuộc vào kích cỡ. Ông Vũ Hữu Đọc (làng Ông Hảo) có thể làm được gần 50 chiếc trống mỗi ngày. Ông Đọc cho biết: "Nghề này là nghề truyền thống của gia đình cũng như cả ngôi làng này. Nghề này có từ hơn trăm năm trước, còn với bản thân thì đã gắn bó với nghề này được gần 50 năm rồi. Cho đến nay, gia đình vẫn sản xuất các sản phẩm phục vụ dịp Tết Trung thu như trống, mặt nạ, đầu sư tử... Riêng trống thì có rất nhiều loại to nhỏ khác nhau. Loại nhỏ nhất có giá 12.000 đồng/chiếc, loại to nhất có giá 200.000 đồng/chiếc. Mặt trống được làm từ da trâu, tang trống được làm từ gỗ mỡ, gỗ bồ đề..." Làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) là một trong số rất ít các làng còn giữ được nghề làm trống truyền thống vào mỗi dịp trung thu. Thu nhập chủ yếu từ “lấy công làm lãi”, bỏ qua sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, những người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ bằng được cái nghề mà ông cha để lại. Hà Vi/laodong.vn