Ở homestay nhà cổ 200 năm tuổi khi về miền Tây
Ngôi nhà cổ mái lợp âm dương, sân gạch tàu và bên trong vẫn còn nguyên các vật dụng bằng gỗ quý. Phạm Thủy Tiên Ký ức Nam bộ Tiền Giang nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây với “đặc sản” nhà cổ, như nhà cổ Ba Đức, nhà cổ ông Xoát, nhà cổ ông Tòng, nhà cổ ông Kiệt… Trong đó nhà cổ ông Kiệt (Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) được xem là đẹp nhất và được mệnh danh “Cửu đại mỹ gia” thu hút nhiều du khách tham quan tìm hiểu về không gian sống của một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại Nam bộ ngày xưa. Nhà cổ ông Kiệt là một trong số các nhà cổ chào đón khách lưu trú theo dạng homestay. Nhà cổ chỉ có 3 phòng dành cho khách nghỉ lại qua đêm, đón tối đa 6 khách/đêm. Căn nhà có tuổi đời gần 200 năm, tọa lạc trên mảnh đất rộng 1,8 ha, bao quanh là vườn cây ăn trái xum xuê đầy măng cụt, chôm chôm, bòn bon... Nhà có tổng cộng 5 gian, trong đó gian chính có kiến trúc độc đáo nhất với các vật dụng còn lưu lại từ trăm năm trước, các gian sau dùng làm nơi chiêu đãi khách. Nhà được làm bằng nhiều loại gỗ quý hiếm thời xưa như lim, bằng lăng, cẩm lai... Mái được lợp theo lối âm dương điển hình của kiến trúc cổ với hàng hoa văn hài hòa, tinh tế. Trước sân lát gạch tàu, trang trí chậu kiểng, cổng tam quan. Bước vào gian nhà chính, không khí trang nghiêm cổ kính thể hiện rõ trong cách bài trí. Bộ trường kỷ xưa được trang trọng đặt ở chính giữa gian nhà. Du khách sẽ ồ lên thích thú khi thấy từng vật dụng thời xưa được sắp xếp cứ như những vật dụng gia chủ dùng hằng ngày chứ không phải là những thứ đặt trong tủ kính trưng bày. Cây đèn dầu, bộ ấm chén, chùm đèn treo, tủ chén, sập gụ... gợi lại những ký ức xưa cũ của một miền đất Nam bộ cách đây 200 năm. Kiến trúc nhà cổ ở vùng đất Nam bộ còn được thể hiện qua các hoa văn chạm khắc công phu trên các bộ kèo, cột, xiên. Điểm độc đáo là mặt trước nhà được dựng bởi các thanh gỗ vuông sắp so le, giúp lấy ánh sáng và khí trời tự nhiên. Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch miền Tây từ A-Z Miền Tây hiếu khách Vị chủ nhà, mọi người thường gọi thân mật là cô Kiệt, theo tên của chồng, là một người phụ nữ thật thà giản dị hiếu khách đậm chất miền Tây. Cô nồng hậu chào đón khách đến thăm nhà, chỉ cho khách từng đặc điểm độc đáo trên gian nhà chính, rồi cô lại tất tả ra nhà sau đứng bếp tự tay nấu cơm đãi khách. Cô bảo nhà có mấy chị em bà con giúp cô nấu nướng lau dọn, nhưng cô muốn đích thân mình nấu cho khách như là một cách thể hiện tấm thịnh tình của gia chủ. Gian nhà sau là nơi cô mời khách dùng bữa. Cô thường ngồi ăn cùng khách, vừa ăn vừa kể chuyện sự tích nhà cổ. Cô kể, cô thừa hưởng căn nhà cổ này từ ba má chồng vì chồng cô là út. Năm 1998, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ trùng tu căn nhà cũng như xây cây cầu trước ngõ để thuận lợi cho khách tham quan. Cách kể chuyện với cái chất thật thà pha lẫn hóm hỉnh đặc trưng của người miền Tây luôn khiến khách mấy phen bật cười hỉ hả. Với những du khách yêu sự tĩnh lặng của làng quê, họ thường chọn nghỉ chân qua đêm ở nhà cổ. Sáng sớm dậy tận hưởng không khí trong lành buổi sớm mai, rồi thong thả đạp xe dọc bờ kênh yên bình, ghé thăm chợ Cái Bè nhộn nhịp người đi chợ sớm, hay ngắm những ánh nắng đầu tiên trong ngày chiếu xiên vào hàng hiên trước nhà. Vườn cây xum xuê trĩu quả đem lại trải nghiệm hái trái cây ăn ngay tại vườn khiến ai cũng hào hứng. Ăn no nê thì ra vườn nằm võng đung đưa đọc sách hay vào bếp học lóm vài món ăn đặc sản của người miền Tây rồi tưởng tượng về nếp sinh hoạt của một gia đình truyền thống Nam bộ hồi xưa. Chỉ vậy thôi, giản dị và bình yên, cứ như về thăm quê của mình vậy. Phạm Thủy Tiên/Thanh Niên