Nhớ mùa thu Hà Nội
Chiều nay, có việc thiết yếu đi qua Hồ Gươm. Trời Hà Nội xanh trong. Nắng thu không bỏng rát, dữ dội như mùa hạ mà êm dịu, ân cần quá đỗi. Phố vắng lặng, chỉ có cây xanh và chim vô tư ríu rít. Hà Nội vào thu đẹp như miền cổ tích. Gió nhè nhẹ, man mác làm rung lên những thanh âm dịu ngọt. Lẫn trong gió là mùi thơm của đất, cỏ cây, hoa lá… Có lẽ không nơi đâu có cái nắng đẹp như những ngày thu Hà Nội. Cũng bầu trời trong xanh, cũng nắng và gió như bao nơi, nhưng sao những sớm, những chiều ở đây cứ như lời gọi thiện lành cho mỗi bước chân người đến, người đi. Và mùa thu Hà Nội là mùa mà có thể cảm nhận rõ nét nhất, kì lạ nhất về mùi vị Hà Nội qua những món ăn thân quen. Những món ăn này hiện hữu quanh năm nhưng thưởng thức vào những ngày thu, khi gió hanh hao, khi nắng vàng như mật, khi trong lòng hân hoan bởi mùa thu mới có thể thấy trọn được hồn cốt của ẩm thực Hà Nội. Một người bạn ở Paris chia sẻ: “Mình có cốm, có hồng, có cả sấu chín. Thế mà vẫn không giống thu Hà Nội vì thiếu mùi. Mùi xôi gói trong lá bàng. Mùi nồng nồng sau mưa. Mùi hoàng lan, mùi hoa sữa... Mùi là thứ làm nhớ hơn những thứ chạm được, cầm được”. Bởi thế vào dịp thu sang, biết bao những đứa con tha phương vội vã trở về Thủ đô để hít hà cái không khí sương sương bảng lảng, để thỏa thuê tắm mình trong cái nắng hanh vàng, để thỏa mãn căn bệnh trầm kha cơn - nghiện - mùa - thu cứ mỗi tháng 9, tháng 10 lại bùng phát dữ dội. Mọi năm khác, năm nay không ít người hụt hẫng. Chẳng những người ở xa không thể về mà ngay cả những người đang ở Hà Nội cũng chỉ có thể nhìn thu qua những bức ảnh. Giờ đây, những điều đơn giản như buổi sáng ghé quán cà phê quen, ngồi nhìn bâng quơ ra phố, hay được ngắm nụ cười tự nhiên của một ai đó... bỗng trở nên xa xỉ. An ủi là giữa lúc phải căng mình chống chọi với dịch bệnh, thì những bức ảnh ngọt ngào của nhiếp ảnh gia Lê Minh Sơn cũng khiến tâm hồn như dịu lại. Chợt nhớ bài “Thu hứng” (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ. “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà”. (Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm). Xưa, vì chiến tranh liên miên mà Đỗ Phủ lưu lạc xứ người. Cuối đời do đói nghèo, bệnh tật mà không thể về quê. Hình ảnh khóm cúc “lưỡng khai” (hai lần nở) diễn tả sự vận hành thời gian, đồng thời cũng bộc lộ sự xót xa khi nhà thơ bất lực không thực hiện được ước nguyện về quê cũ, đành nhìn thời gian trôi qua trong nước mắt. Thế nhưng, dẫu thời gian đó qua đi, thì trong lòng Đỗ Phủ vẫn luôn day dứt “nhất hệ” (một mối dây ràng buộc). Nhà thơ đã lấy sự bất biến của tình cảm để đối chọi lại sự thường biến của thiên nhiên. Nỗi lòng với quê hương, với nỗi xót xa cho cái tôi cô đơn của mình (Đỗ Phủ) vì thế càng ngời sáng hơn. Thu nay cũng vậy, không có chiến tranh, loạn lạc, nhưng Covid-19 cũng khiến bao người không thể về thăm quê hương... Ngồi giữa mùa thu Hà Nội mà lòng tha thiết nhớ thu sang. Xin mùa thu mang đến những an lành cho mỗi chúng ta. Mong lắm những ngày bình thường... Mong lắm để thành phố được bình yên trở lại, để ngày ngày “mọi người ra phố mời rao nụ cười”. Theo Hà Nội mới