Ngày Tết, thưởng thức bánh chưng đen của người Dao

Ngày Tết, thưởng thức bánh chưng đen của người Dao

Tết của người Dao ở Huổi Só trùng với thời gian Tết của người Kinh. Tục làm bánh chưng đen của dân tộc Dao do cha ông truyền lại, đã có từ rất lâu rồi. Bánh làm ra có màu đen là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm; màu đen của bánh còn thể hiện sự hòa hợp của đất, trời và lòng người. Tết của người Dao không thể thiếu bánh chưng đen là vì những ý nghĩa nhân văn cao đẹp đó. Ngoài ý nghĩa cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn, bánh chưng đen còn thể hiện tấm lòng biết ơn, hiếu thuận của người đang sống tới ông bà, tổ tiên của người Dao. Cái độc đáo ở bánh chưng đen của người Dao quần chẹt là ở chất liệu tạo màu đen của bánh. Khác với một số loại bánh chưng đen của các dân tộc ít người khác, lấy màu đen cho bánh từ màu gạo nếp cẩm, hoặc nhuộm nếp làm bánh từ than gỗ cây núc nác, bánh chưng đen của người Dao ở Huổi Só tạo màu đen cho bánh từ chính tro của thân rơm nếp đốt lên. Để có được nguyên liệu làm bánh chưng đen, người Dao phải “trù liệu” từ tháng 4, bắt đầu đi chọc lỗ, tra hạt trên nương rẫy. Tuy diện tích nương rẫy khan hiếm, nhưng người Dao luôn dành ra một diện tích vừa đủ để trồng loại lúa nếp rất ngon, được chọn lọc kỹ càng từ mùa vụ trước, chuyên dùng để làm bánh chưng đen. Khi thu hoạch thì dùng liềm cắt về, gạo lúa nếp sẽ được sử dụng làm bánh, phần rơm khô vàng óng sẽ được dùng để đốt lên, tạo màu đen cho bánh. Cứ cuối tháng 10, lúc mùa màng kết thúc là bản làng người Dao lại tất bật với công việc chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng đen. Để đảm bảo cho bánh chưng đen có hương vị, màu sắc thì việc chuẩn bị nguyên liệu là khâu rất quan trọng. Phần gạo nếp được giã thủ công từ những bông lúa nếp chắc hạt thu hoạch trên nương rẫy; phần rơm sẽ phải chọn lọc thật kỹ càng và chỉ lấy những cây rơm to, vàng ươm, mang đi rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, rồi phơi khô, bó buộc cẩn thận chờ gần Tết, chọn ngày lành, giờ đẹp đem ra đốt lấy tro nhuộm gạo nếp, làm bánh chưng đen. Công đoạn “nhuộm” gạo nếp là độc đáo và cầu kỳ hơn cả. Từng cọng rơm nếp được chọn lựa kỹ càng lần lượt được đưa vào đốt cháy trong chậu thau bằng nhôm hay chum đồng, sành sứ để lấy tro. Tro này đem hòa với nước lạnh trong vắt được lấy ở đầu nguồn của suối cho ra màu đen rồi lắng lọc. Nước màu đen này sẽ được ngâm với gạo nếp để gói bánh chưng đen. Thông thường, người phụ nữ Dao sẽ đảm nhận mọi việc để tạo nên chiếc bánh chưng đen. Do đó, khi trộn gạo nếp với nước tro đen, đòi hỏi người phụ nữ phải có kinh nghiệm để nhận diện được tỷ lệ tương ứng, hài hòa giữa lượng gạo nếp và lượng nước tro đen; khi trộn ngâm phải thật sự nhuần nhuyễn, đều tay để mỗi một hạt nếp sẽ ngấm đủ, đều nước tro đen. Nếu quá nhiều nước, tro đen ngấm sâu vào hạt nếp, bánh sẽ có vị đắng lấn át các mùi vị đặc trưng của nếp nương hòa quyện với mùi lá dong rừng, lá chuối rừng. Nhưng nếu nước tro ngấm vào hạt nếp ít quá thì bánh sẽ không tạo được màu đen như ý - màu thể hiện sự no đủ của gia đình, bản làng; thể hiện lòng hiếu thuận của con cái đối với tiền nhân, tiên tổ và thể hiện sự tài năng, sự khéo léo nội trợ của người phụ nữ dân tộc Dao. Bánh chưng đen của người Dao cũng gói bằng lá dong và lá chuối như người Kinh gói bánh chưng xanh, nhưng cộng đồng người Dao khá cầu kỳ trong việc làm lá gói. Trước khi gói bánh nhiều ngày, lá dong, lá chuối phải rửa thật sạch, dùng khăn vải lau thật khô, rồi phải cắt cho vừa khuôn để đảm bảo kích thước bánh; đến lúc gói bánh thì một lần nữa lá dong, lá chuối sẽ được kiểm tra lại, rồi hơ qua lửa than hoa, than củi cho thật mềm trước khi trải lên mâm. Công đoạn gói bánh được xếp vào công đoạn cầu kỳ, quan trọng và quyết định giá trị, chất lượng chiếc bánh. Bánh phải gói đủ chặt để không rơi gạo ra ngoài, các vị trí nhân bánh, thịt lợn ở giữa và được gạo nếp bao bọc đều để khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt, nhân trong từng miếng bánh. Bánh chưng khi gói xong sẽ được xếp vào nồi đun đều lửa từ 10 đến 12 tiếng cho bánh nhừ, sau đó sẽ được treo lên gác bếp để ráo nước. Bánh chưng đen của người Dao cũng được gói theo một hình dạng nhất định: Bánh lưng gù, phần lồi lên giống như đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài dọc quanh thân. Phần gù càng nhô cao, càng cân đối thì bánh càng đẹp và sẽ được lựa chọn để thờ cúng tổ tiên, mỗi lần thắp hương phải có đủ 7 chiếc bánh chưng đen sắp đặt trên bàn thờ gia tiên. Cứ đủ thời gian sau 2 ngày thì chủ nhà mới hạ bánh xuống khỏi bàn thờ để dùng trong các bữa cơm Tết mời bà con trong họ hàng, làng bản. Bánh chưng đen của người Dao quần chẹt khi bóc ra có màu đặc trưng là đen xanh hòa quyện, mùi thơm dịu của nếp nương, của lá dong, lá chuối rừng; khi ăn có vị ngon, độ dền dẻo pha chút mặn của tro rơm. Thưởng thức bánh chưng đen, du khách có thể cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc của núi rừng, của nương rẫy kết tinh trong từng miếng bánh để từ đó càng hiểu hơn giá trị, thành quả, công sức lao động của người dân phía hạ nguồn sông Đà. Cùng với rượu thóc ngâm có mùi thơm đặc biệt, thịt lợn nấu trong ống nứa, cơm tẻ đồ thơm ngon, canh đậu tương xay nhỏ nấu với thịt có vị chua thì sự hiện diện của miếng bánh chưng đen trong mâm cơm ngày Tết càng thể hiện sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Dao quần chẹt nơi tiểu vùng văn hóa ngành Dao./. Phạm Hằng (Theo Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm:

  • Cà Mau giải phóng và những giọt nước mắt vỡ òa
  • Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu
  • Một ngày ăn chơi tại đảo hàu Long Sơn
  • Đoàn Thanh niên xã Mỹ Lạc phát huy hiệu quả mô hình 'Cổng lá dừa'
  • Du lịch Hà Giang hướng tới thích ứng an toàn với COVID-19
  • Nhà máy thủy điện Sơn La
  • Linh thiêng núi rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc
  • Xu hướng tìm kiếm về du lịch giảm mạnh năm 2021
  • Khai hội chùa Bái Đính Xuân Canh Tý 2020
  • Quán cà phê 'khu vườn trên mây' ở Đà Lạt thu hút giới trẻ