Mộc mạc xôi cốm Kiều Mộc

Mộc mạc xôi cốm Kiều Mộc

Xôi cốm thường được người dân làng Kiều Mộc làm để dâng cúng vị Thành hoàng Hải Tề Tối Linh Đại vương - con út của Lạc Long Quân và Âu Cơ vào mỗi dịp đầu thu. Tương truyền, ngài là vị thần luôn che chở và phù hộ cho người dân được bình an, mùa màng bội thu. Không chỉ vậy, xôi cốm cũng là đặc sản mà người Kiều Mộc thường làm để biếu ông bà, cha mẹ và những người quan trọng. Đây là một trong những phong tục truyền thống mà dân làng Kiều Mộc đã gìn giữ bao đời. Nguyên liệu để làm xôi cốm là giống nếp cái hoa vàng còn non nhưng thân căng mẩy bởi “ngậm” sữa. Để chọn được loại ngon nhất, người ta phải chọn đúng thời điểm rồi cẩn thận cắt từng bông, bó lại mang về. Khi tuốt, người ta dùng một cái bát úp lên thân cây lúa, chuốt nhẹ nhàng cho hạt rời ra mà không bị dập nát. Sau đó, người ta đem luộc chín, phơi khô rồi cho vào cối giã để tách vỏ. Thành phẩm là mẻ gạo màu xanh ngà, hạt dài, dẹt, dậy hương thơm ngọt của sữa gạo. Với làng Vòng hay Mễ Trì, khi đến công đoạn này, người ta sẽ rang, giã nhiều lần nữa để ra những mẻ cốm ngon. Còn người dân làng Kiều Mộc lại tiếp tục ngâm gạo trong nước ấm khoảng 30 phút rồi vớt ra rá cho ráo nước. Sau đó, người ta giã hỗn hợp gồm củ gừng, lá gừng và lá nếp, pha với nước và ngâm gạo vào khoảng 1 - 2 giờ, khi gạo lên màu mới bắc lên bếp để đồ thành xôi. Xôi cốm Kiều Mộc sau khi hoàn thành sẽ có màu xanh non, thoang thoảng vị ngọt của sữa non từ gạo và hương thơm dịu mát của gừng, hương ngầy ngậy của lá nếp... Xôi cốm Kiều Mộc không thêm đậu xanh đồ chín, hạt sen hay đường như các nơi khác, mà tôn trọng hương vị nguyên bản của cốm cùng các loại thảo mộc. Chính hương vị mộc mạc ấy đã làm nên sự khác biệt cho đặc sản xôi cốm của làng Kiều Mộc - một thức quà giản dị, thanh tao mang đặc trưng văn hóa xứ Đoài. Theo Hà Nội mới

Có thể bạn quan tâm:

  • Rượu cần: Nét văn hóa đặc trưng của người Jrai trong ngày Tết
  • Những điểm đến dịp Tết Dương lịch ở miền Tây
  • Bánh bầu - cái tên "lạ hoắc" trong làng bánh Việt: không ăn thử nhanh có ngày "tuyệt chủng"
  • 4 món ngon nên thử khi du lịch Kiên Giang
  • Những chú ong xanh cần mẫn ở ngọn hải đăng trên đảo Bạch Long Vĩ
  • Bình Định: Dâng hương kỷ niệm 228 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung
  • Căn cứ Cái Chanh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
  • Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh của tỉnh Bình Dương là Bảo vật Quốc gia
  • Sẵn sàng cho Lễ hội Làm Chay
  • Về Yên Bái thưởng thức đặc sản Vịt bầu Lục Yên