Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh của tỉnh Bình Dương là Bảo vật Quốc gia
Theo đó, Bộ dụng cụ dệt gỗ có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên với 23 hiện vật gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc là loại khung dệt là hiện vật đặc biệt quý hiếm, được Thủ tướng quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia. Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được phát hiện tại di chỉ khảo cổ thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên), tỉnh Bình Dương trong các năm 1998 và năm 2001, có niên đại cách ngày nay trên 2000 năm (khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên). Tổng cộng có 23 hiện vật gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ xác định Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và rộng hơn là khu vực Nam Bộ. Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh. Ảnh: VOV TPHCM Thêm Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được công nhận, đến nay tỉnh Bình Dương có 3 Bảo vật Quốc gia, cùng với Tượng động vật Dốc Chùa được công nhận vào năm 2013 và Mộ Chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh được công nhận vào năm 2018. Với nghề thủ công truyền thống “Nghề gốm Bình Dương” cùng với nghệ thuật trình diễn dân gian “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” cũng được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào đầu năm 2021. Nghề gốm Bình Dương có lịch sử hình thành trên đất Bình Dương khoảng 200 năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của tỉnh. Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có nguồn gốc xuất phát ở vùng đất Tân Khánh (thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An hiện nay). Từ những ngày đầu mới khai phá lập làng đến thời kỳ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và tiếp tục phát triển cho đến bây giờ, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã có hàng ngàn môn sinh, có mặt trên 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và cả nước ngoài. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Nguyễn Lộc Hà chia sẻ niềm vui, niềm tự hào to lớn; để có được những thành quả đáng tự hào đó, lãnh đạo tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các bậc võ sư, môn sinh Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà; những nghệ nhân, người lao động trong ngành sản xuất gốm đã chung sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương trong nhiều năm qua. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện ngay một số nội dung liên quan nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới. Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và Bảo tàng tỉnh đã đón nhận các hiện vật quý giá từ các nghệ nhân gắn bó với nghề gốm trên đất Bình Dương và võ sư Hồ Tường hiến tặng nhằm bổ sung vào kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, Đồng thời, truy tặng bằng khen cho 2 võ sư là Hồ Văn Lành và Trần Quang Hiền vì có nhiều đóng góp trong việc đưa tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh còn tặng bằng khen cho 2 tập thể và 6 cá nhân có nhiều đóng góp trong việc đưa “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” trở thành Bảo vật Quốc gia; 15 tập thể và 9 cá nhân có nhiều đóng góp trong việc đưa nghề thủ công truyền thống “Nghề gốm Bình Dương” và đưa tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” vào danh mục Di sản Căn hóa phi vật thể Quốc gia… VOVTV / TTXVN