Mâm cỗ gà bay lạ mắt cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh
"Gà bay, gà quỳ, gà cưỡi mình rùa" được bày biện hết sức cầu kỳ, đẹp mắt dâng cúng tổ tiên vào dịp Rằm tháng Giêng đã trở thành thông lệ đối với nhiều gia đình, dòng họ tại xã Bình Lộc và một số địa phương ở huyện Lộc Hà. Có mặt tại dòng họ Lê Trọng (xã Thạch Bình) ngày Rằm tháng Giêng (ÂL), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ độc đáo của những mâm cỗ cũng được chồng cao, những con gà cúng được tạo thế cầu kỳ, lạ mắt. Đủ các tư thế gà đứng, gà quỳ, gà bay... độc đáo. Theo đại diện dòng họ Lê Trọng, năm nay dòng họ tổ chức đại lễ. Cũng theo đại diện dòng họ Lê Trọng, để có được những con “gà bay” thì các thành viên trong dòng họ phải lựa chọn kỹ càng. Những con gà được lựa chọn phải là loại gà lớn, trên 3kg mới có thể làm được tạo hình đẹp. Để hoàn thành tác phẩm gà cúng thế đứng, con cháu phải mất một thời gian dài. Quá trình tạo dáng cho gà luộc phải dùng đến nhiều kỹ thuật gia truyền. Là người làm gà lâu năm, anh Lê Trọng Tiến chia sẻ: “Để làm được những con gà thế này đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ. Mỗi công đoạn làm gà đứng đều có cái khó riêng, trong đó công đoạn cắt tiết gà và lấy ruột làm sao để lại lỗ nhỏ nhất trên thân gà”. Theo một số người dân trong xã, để hoàn thành một con gà có tạo hình độc đáo, họ phải thức dậy từ lúc 3h sáng để chuẩn bị các công đoạn. Người dân Bình Lộc chia sẻ, những con “gà bay” phải được lựa chọn kỹ càng. Thông thường sẽ phải đặt trước hàng tháng. Theo tục lệ, những mâm cỗ này bắt đầu được bày trong nhà thờ từ khoảng 7h-9h sáng nay (15/1 ÂL). Sau khi tổ chức cúng tế đến 12h sẽ tiến hành hạ cỗ. Những mâm cỗ độc đáo, ngoài thể hiện sự tài hoa, tâm huyết của người làm và lòng thành kính tổ tiên, tục bày mâm cúng, chồng cỗ tầng cao ở xã Bình Lộc là một nét văn hóa riêng có, là dịp để con cháu tề tựu, gặp mặt đông đủ sau một năm đi làm ăn xa./. CTV Quỳnh Nga/VOV.VN