Hò Đồng Tháp được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV năm 2018. 07 di sản văn hóa phi vật thể còn lại gồm có: Nghề làm Bánh tráng Mỹ Lồng và Nghề làm Bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre); Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình (Quảng Ninh); Lễ Bỏ mả của người Raglai (Ninh Thuận); Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu và Pả Dung của người Dao (Thái Nguyên) và Soọng Cô của người Sán Dìu (Vĩnh Phúc). Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc 04 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống. Như vậy đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp có 04 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Đờn ca tài tử Nam Bộ; Nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu; Nghề dệt chiếu và Hò Đồng Tháp. Ảnh: Đài PT-TH Đồng Tháp Hò Đồng Tháp xuất hiện đầu thế kỷ XIX, phát triển cực thịnh và trở thành điệu hò nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1954, người mang điệu Hò Đồng Tháp cùng tập kết ra Bắc là nghệ sĩ Kim Nhụy; giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê đã thuyết giảng về dân ca Việt Nam - trong đó có Hò Đồng Tháp ở 67 quốc gia. Hò Đồng Tháp có nhiều thể loại như: hò cấy, hò huê tình, hò khoan, hò bắt xác. Nét đặc trưng, riêng biệt của Hò Đồng Tháp so với các điệu hò Nam bộ là chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời. Cũng có khi có bài hò để… phê phán, để lên án những cái ác, cái xấu. Phản ánh mọi mặt của đời sống nên nội dung của Hò Đồng Tháp vô cùng phong phú. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Việc Hò Đồng Tháp được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ là điều kiện tốt để không ngừng nuôi dưỡng và phát huy các giá trị nhân văn sâu rộng của loại hình dân gian đặc sắc này. Minh Đức (Tổng hợp)