Ấn tượng du lịch cộng đồng ở Ðảo Bé

Ấn tượng du lịch cộng đồng ở Ðảo Bé

Một góc khu Gió Biển Homestay trên Ðảo Bé, Lý Sơn. Từ cầu cảng Ðảo Bé, chúng tôi bắt xe điện đi dọc bờ biển. Hơi gió mang theo vị mặn mòi mát lạnh len qua từng kẽ tóc, hòa cùng hương đất nồng đượm phả lên sau cơn mưa... Bao lo toan tất bật dường như đều bị bỏ lại, nhường chỗ cho cảm giác khoan khoái, thư giãn khi được hòa cùng thiên nhiên. Ẩn mình dưới những rặng dừa xanh mát là những homestay độc đáo được chính người dân Ðảo Bé thiết kế, xây dựng. Chúng tôi dừng chân ở Gió Biển, một trong những homestay đầu tiên được xây dựng nơi đây. Những căn nhà sàn được lợp gỗ hướng ra biển đón gió như mời gọi khách đến lưu giữ những khoảnh khắc khó quên. Ông chủ của Gió Biển là Nguyễn Văn Ðược, chàng trai trẻ sinh năm 1992 theo học ngành công nghệ thông tin đã bỏ qua nhiều lời mời làm việc ở TP Hồ Chí Minh để về lập nghiệp và làm giàu cho quê hương. Cách đây chừng 5 năm, Ðảo Bé bắt đầu được du khách chú ý và tìm đến ngày càng đông, nhưng họ chỉ tới tham quan chứ không nghỉ lại. Những nhà nghỉ nhỏ lẻ trên đảo khi đó không đủ hấp dẫn để níu chân du khách. Vì thế, chàng trai Nguyễn Văn Ðược quyết tâm mang mô hình homestay về hòn đảo quê hương. Tháng 7/2017, Gió Biển chính thức đi vào hoạt động. Nguyễn Văn Ðược chia sẻ, Ðảo Bé Lý Sơn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, rực rỡ của thiên nhiên và môi trường trong lành, tinh khiết. Vì thế, những homestay nơi đây cũng cần hài hòa, thân thiện để không phá vỡ vẻ đẹp vốn có của cảnh quan. Ðó là lý do những căn phòng trong Gió Biển đều được thiết kế theo hướng hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của bê-tông, cốt thép. Ở không gian trước homestay Gió Biển, anh Ðược còn phát triển mô hình cắm trại với lều ven biển, đi kèm các hoạt động như đốt lửa trại, mở tiệc nướng... để phục vụ du khách có nhu cầu. Tầm nhìn và nỗ lực của chàng trai trẻ đã được đền đáp khi khách đến với Gió Biển ngày càng tăng. Năm 2018, homestay này đã đón hơn 900 lượt khách và năm 2019 đạt hơn 1.000 lượt. Vào mùa du lịch (từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm), Gió Biển thậm chí không có đủ phòng để đáp ứng nhu cầu khách. Nằm cách Gió Biển không xa là homestay Alabin cũng được thành lập từ năm 2017 được điều hành bởi doanh nhân sinh năm 1986 Bùi Minh. Alabin thu hút bởi những căn phòng xinh xắn xây theo kiểu nhà sàn bằng gỗ thông với ngói lợp lá dừa. Ở giữa là khu vườn rợp mát với nhiều loại cây ăn trái đặc trưng của Lý Sơn. Từ trên ban công của Alabin nhìn ra xa, du khách có thể thu vào tầm mắt khung cảnh bao la tươi đẹp của thiên nhiên Ðảo Bé Lý Sơn với nhiều thắng cảnh trầm tích núi lửa hàng triệu năm hòa cùng làn nước biển trong vắt. Alabin hiện đang có bốn phòng với nhiều diện tích khác nhau có thể đáp ứng nhu cầu của khách đi theo gia đình hoặc đoàn lớn công ty. Vốn là một hướng dẫn viên tự do cho nên Bùi Minh có nhiều thuận lợi trong giao tiếp, xây dựng chương trình tua khi kinh doanh Alabin. Bên cạnh dịch vụ cung cấp phòng cho khách, Minh còn thực hiện các tua trải nghiệm cho khách phân theo từng đối tượng nam - nữ, khách biết bơi hoặc không biết bơi. Chẳng hạn, khách nam có thể đi thả lưới, bắt cá, bắt ốc; khách nữ có thể đi dạo gần bờ bắt ốc biển, hái rong nho... Minh chia sẻ, làm homestay bằng các vật liệu thân thiện với môi trường có ưu điểm rất đẹp về mặt cảnh quan nhưng độ bền chắc lại không cao. Mùa lũ năm vừa qua, mưa gió giật mạnh đã khiến homestay Alabin bị thiệt hại nặng. Vì thế, Bùi Minh đã lên kế hoạch chỉnh trang lại homestay sao cho vừa bảo đảm độ bền, vừa giữ được nét hài hòa với thiên nhiên. Theo đó, sẽ lợp mái tôn để tăng độ bền chắc nhưng phía trên vẫn được lợp lá. Phần tường được gia cố thêm những lớp đá nham thạch, những vỏ ốc biển Lý Sơn để tạo vẻ đẹp đặc trưng. Năm 2018, Alabin đón khoảng 1.000 lượt khách, năm 2019 con số này đã là 1.400 lượt. Bùi Minh cũng đang lên kế hoạch bổ sung thêm nhân sự biết ngoại ngữ để có thể đón nhiều hơn du khách quốc tế. Hiện nay, trên Ðảo Bé đang có khoảng 10 hộ kinh doanh homestay phục vụ khách du lịch. Ðiều đáng mừng là các homestay hầu như đều được quản lý bởi những người trẻ. Sự sáng tạo, dấn thân, mong muốn làm giàu cho quê hương và nhất là ý thức chung trong việc gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường khi kinh doanh homestay và du lịch nói chung của họ đã mang đến những luồng gió mới, tạo cơ hội phát triển bền vững cho du lịch nơi đảo tiền tiêu. Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Khám phá công viên giữa đại ngàn Đắk Nông được UNESCO vinh danh là công viên địa chất toàn cầu
  • Bị phạt 10 triệu đồng vì loan tin sai sự thật “Corona về Hà Tĩnh”
  • Quán cafe màu hồng như “giấc mộng thiếu nữ” giữa lòng Sài Gòn
  • Hội Háng Pỉnh dịp trăng rằm của người Tày, Nùng
  • Khu nghỉ dưỡng và khách sạn Ninh Bình Hidden Charm
  • Bến Tre: Tranh giành khách, một nữ hướng dẫn viên du lịch bị đánh trọng thương
  • Bánh tổ truyền thống Hội An hối hả trước ngày tiễn ông Công, ông Táo
  • Bánh đậu xanh: Thơm ngọt tình người xứ Đông
  • Những sản vật tiến vua nức tiếng đất Phú Thọ
  • Mê mẩn món xôi bọc bánh tiêu chợ Đà Lạt