Vẻ đẹp của cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam

Vẻ đẹp của cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam

Từ quốc lộ 1A, du khách rẽ ra hướng biển khoảng hơn 100 m sẽ gặp cầu Ông Cọp. Nhìn từ xa, cây cầu trông nhỏ bé giữa vùng nước mênh mông. Hàng ngày, vài trăm lượt khách qua lại nơi đây Việt Nam có nhiều cây cầu gỗ bắc qua sông nhưng nổi tiếng nhất là cầu Miễu Ông Cọp (hay còn gọi cầu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh) bắc qua sông Phú Ngân, nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Cầu gỗ Ông Cọp được đưa vào sử dụng đầu năm 1999, đến nay đã trải qua nhiều hộ gia đình quản lý. Những tấm ván cầu làm từ thân cây phi lao, bạch đàn; thành cầu làm bằng thân tre già. Cầu chỉ thiết kế để xe máy và người đi bộ sử dụng. Dưới chân cầu là những đống gỗ phi lao chất sẵn, khi có tấm ván nào hỏng là được sửa ngay. Sở hữu vẻ đẹp mộc mạc, hữu tình nên cây cầu gỗ này không chỉ là đường giao thông cho dân địa phương đi lại mà còn là điểm đến của các bạn trẻ, các tay máy săn ảnh. Du khách chọn thời điểm bình minh hay hoàng hôn sẽ chụp được những bức ảnh ưng ý. Với các nhiếp ảnh gia, góc chụp từ trên cao để lại ấn tượng hơn cả với hình ảnh chiếc cầu trải dài xa tít. Cầu Ông Cọp còn là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như Ghềnh Đá Đĩa (cách khoảng 8 km), nhà thờ đá Mằng Lăng (120 năm tuổi) hay đầm Ô Loan (thắng cảnh cấp quốc gia Việt Nam). Nhịp sống mưu sinh trên sông Phú Ngân. Trên đầu cầu phía phường Xuân Đài có dựng chòi canh do một hộ gia đình quản lý để thu phí qua cầu. Mỗi lượt khách khoảng 1.000 - 5.000 đồng, tùy vào số lượng người và hàng hóa, riêng học sinh được miễn phí. "Có cây cầu kết nối thuận tiện hơn nhiều so với đi đường vòng hoặc ngồi đò nên tôi sẵn sàng trả phí. Vào mùa mưa, cầu không sử dụng được, người dân đi vòng rất xa nên ai cũng chỉ mong cây cầu không bị lũ cuốn trôi", một người dân Phú Yên cho biết. Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân, thổ địa xứ “hoa vàng trên cỏ xanh” cho hay vào mùa lũ (tháng 10-11 hàng năm), phía đầu cầu gỗ An Ninh Tây được người dân tháo dỡ một nhịp để cầu không bị cuốn trôi. Dù vậy, vào đợt lũ quét, cây cầu vẫn bị cuốn ra biển, phải đầu tư mới hoàn toàn. Khi nước rút, nguồn kinh phí thu vé được sử dụng để tiến hành sửa chữa hoặc dựng mới lại. Xung quanh cầu gỗ là nhịp sống bình dị, yên ả của người dân. Lang thang trên cầu gỗ này, du khách có thể nhìn thấy hình ảnh người dân chèo thuyền giăng lưới, trẻ em tắm sông hay những người phụ nữ vất vả đạp xe qua cầu. Ngọc Quỳnh, dulichvietnam.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Khai mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông, Yên Bái
  • Vườn dâu da đất Cái Tàu
  • Quảng Trị đầu tư 2,5 tỉ đồng xây dựng hạ tầng giếng cổ ngàn năm
  • Chủ quán bún 'quậy' Phú Quốc tiết lộ cái tên lạ và bí kíp bán 200 bát/giờ
  • 9 đặc sản phải thử ở quê hương Hoa hậu Lương Thùy Linh
  • Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề quận Long Biên
  • Hội quán Du lịch ở Đồng Tháp – Chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển
  • Thành cổ Xương Giang Bắc Giang
  • Hang Múa
  • Cách ly phượt thủ người Trung Quốc vào thuê khách sạn ở Hà Tĩnh