Độc đáo ngôi chùa của chị Công tử Bạc Liêu
Chùa Giác Hoa (ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) do bà Huỳnh Thị Ngó (chị ruột của Công tử Bạc Liêu) – con của điền chủ giàu có xây dựng nên dân gian thường gọi là Chùa Cô Hai Ngó. Vị công tử ở đây không phải là cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy) với giai thoại “đốt tiền nấu trứng” mà là công tử Huỳnh Công Phước (còn gọi là Dù Hột). Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, công tử Phước chính là người khai sinh ra thành ngữ “Công tử Bạc Liêu”. Tương truyền, khi ông thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao tất tần tật: một chiếc chở ông, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kính. Chùa Giác Hoa thuộc ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Theo bảng tiểu sử tại chùa, bà Hai Ngó là con gái lớn (Trưởng nữ) của ông Huỳnh Giang Hiệp và bà Nguyễn Thị Kiểu. Cha mẹ của bà đều là những người lao động nghèo ở làng Châu Thới, thời gian sau nhờ duyên may làm ăn phát đạt trở nên giàu có. Người địa phương hay gọi cha của bà là ông Chủ Chá (theo âm Triều Châu, Trung Quốc). Sinh ra vào lúc gia đình còn chật vật, khó khăn nêu bà thấu hiểu sự thống khổ và thiếu thốn của những phận người nghèo khó. Tuy giàu sang nhưng bà chỉ thích cuộc sống đạm bạc, đơn giản. Thoạt trông, chùa giống như nhà cổ hoặc một công thự thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Đầu năm 1914, bà lập gia đình. Sau đám cưới, vợ chồng bà được ra riêng. Cuộc sống gia đình lúc đầu rất hạnh phúc nhưng đột nhiên tai ương ập đến khiến bà vừa phải chịu cảnh mất chồng, rồi lại chết con. Trải qua nhiều mất mát đau thương, bà Hai Ngó tìm sự tĩnh lặng, nguôi ngoai trong Phật Pháp và phát tâm trợ giúp những người khó khăn, nạn tai kể cả về tài lực lẫn vật lực. Khi vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, bị lũ lụt, dân tình khốn khổ, đích thân bà chở hàng chục tấn gạo trợ giúp dân những vùng trên. Khi chùa được xây dựng hoàn thành, thấy trẻ con trong vùng nhiều đứa thất học nên bà xây trường học, rồi rước thầy về dạy khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đến trường. Trong khuôn viên chùa, bà xây nhà để chứa quan tài giúp người nghèo trong tang khó. Nhiều bức tượng bằng gỗ quý được bày biện, thờ phụng trong chánh điện. Chùa Giác Hoa được xây dựng năm 1919 với lối kiến trúc đan xen Đông – Tây, nét truyền thống pha lẫn tính hiện đại tạo nên một diện mạo độc đáo, khang trang. Mái vòm hành lang ngôi chánh điện có kiến trúc Pháp. Điểm xuyến mái cong và những dòng chữ Hán ở phía trước. Thoạt đầu nhìn vào, không ai tin đây là một ngôi chùa mà cứ ngỡ là nhà cổ hoặc một công thự thời thuộc địa ở Nam Kỳ. Điều đó lại tạo nên sự mới lạ, đặc sắc của kiến trúc ngôi chùa. Có lẽ do xuất thân từ gia đình điền chủ giàu có nên việc bà Hai Ngó xây dựng ngôi chùa gần giống như nhà hoặc công thự cũng là điều dễ lý giải. Hệ thống cột kèo bên trong đều được xây dựng bằng các loại gỗ quý nguyên khối. Vào bên trong chánh điện là một không gian trang nhã, thanh tịnh, thoáng mát, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý. Với kết cấu 20 cột gỗ tròn có đường kính 45 cm được chạm khắc rồng, phượng và nhiều họa tiết rất tinh xảo chia làm 5 hàng ngang, chống đỡ mái ngói. Những bức tượng Phật, các vật trang trí phía trong cũng được làm bằng gỗ tốt. Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ như chánh điện, phủ thờ, các tượng Phật... Chùa thờ Phật theo phái Bắc Tông. Chân dung Cô Hai Ngó – người xây dựng và thành lập chùa Giác Hoa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa còn là cơ sở cách mạng, nuôi chứa nhiều cán bộ, chiến sĩ. Hưởng ứng lời kêu gọi “Hủ gạo nuôi quân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, bà Hai Ngó đã ủng hộ cho cách mạng 2.000 giạ lúa. Năm 1946, thực dân pháp Pháp trở lại xâm lược nước ta, tiến hành đàn áp, khủng bố dã man đối với các phong trào đấu tranh cách mạng và những người bị tình nghi là Việt Minh. Trong thời điểm ấy, chùa Giác Hoa chính là nơi trú ẩn an toàn... Theo Báo Cần Thơ