Làng Chài Việt Hải

Làng Chài Việt Hải , Xã Việt Hải, Huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng


Trước đây, Việt Hải gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Rừng núi hoang vu, vắng vẻ nên mỗi khi đến đoạn đường ngập nước trong mùa mưa, dân địa phương cứ vô tư “thoát y” ngụp, lội. Ông Hoàng, người dân ở Cát Bà, thú nhận ở rể làng này hơn 10 năm qua cũng từ chuyện “thoát y”. Lần ấy, ông mang thuốc cao vào bán cho dân làng, đến giữa suối thì gặp một cô gái cũng trong tình trạng giống như mình. Cô gái thẹn thùng, bối rối vứt cả quần áo, đồ đạc xuống nước. Sau đó, ông phải tự nguyện cho cô ta mượn quần áo của mình mặc tạm. Vậy rồi quen và yêu nhau, thành vợ thành chồng.

Người dân Việt Hải vẫn giữ được cuộc sống mang nét “nguyên thủy” như từ thuở xa xưa. Cả xã có hơn chục chiếc xe máy Trung Quốc cũ kĩ của những gia đình được xem là khá giả nhất làng dùng để chạy vòng vòng vài cây số trên con đường bê tông mới mở.

Người này chạy xong lại quẳng xe ra một góc bên đường, để cả chìa khóa trên xe. Người khác muốn lấy xe chạy thì cứ việc, sau đó lại trả về chỗ cũ. Nhà mở cửa suốt cả ngày đêm, chủ có bỏ đi vắng vài ngày cũng chẳng ai lấy trộm đồ đạc. Nhà này có việc phải lo thì không cần báo, cả làng cùng đến giúp đỡ. Đồ đạc của nhà này mà nhà khác có việc cần cứ lấy dùng một cách thoải mái. Bởi vậy, cả làng chỉ có hai anh công an viên chủ yêu lo việc hành chính. Việt Hải gần như “sạch” hoàn toàn với tất cả các loại tệ nạn xã hội.

Việt Hải hiện là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Cát Hải. Nhưng người dân ở đây lại có vẻ rất vừa lòng với cuộc sống nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa tình của mình. Sống chia sẻ cùng nhau, không toan tính, vụ lợi, làm giàu giữa núi rừng và biển cả. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Thủy thổ lộ, cũng chính nhờ nét sinh hoạt văn hóa này mà khách du lịch nước ngoài tìm đến ngày một đông. Mấy năm nay, hàng chục nghìn du khách đã vượt suối, trèo đèo đến tham quan. Họ đã nghe tiếng một vùng đất hoang sơ nằm giữa khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng quốc gia Cát Bà.

Người Việt Hải cũng bắt đầu tỏ ra khá nhạy bén khi bắt tay làm du lịch. Làng quyết định cử một nhóm người về Hà Nội, vào tận TP HCM để học cách làm du lịch về áp dụng cho làng. Cũng có một công ty du lịch “người rừng” khai trương hoạt động tại xóm núi heo hút này do chính người dân địa phương làm chủ. Những chiếc xe đạp leo núi được mua tận Hải Phòng theo đò đưa về làng, phục vụ khách Tây đạp xe ngắm làng, leo núi. Cũng có vài người vừa làm ruộng vừa kiêm luôn dịch vụ tài xế xe ôm đưa khách đi tham quan làng.

Mấy nhà sàn, vài quán ăn phục vụ khách du lịch cũng vừa mới mở. Khách nước ngoài đến đây sau khi đi tham quan núi rừng, nghỉ chân ở quán sẽ đặt người dân đảm nhận dịch vụ nấu ăn từ chính thức ăn của dân tự trồng, tự nuôi như gà, vịt, rau xanh… Nhiều già làng, thanh niên trong làng tình nguyện đứng ra làm “hướng dẫn viên du lịch” cho khách, các già làng cũng đã chọn ra được gần chục chàng trai, cô gái địa phương gửi về Cát Bà để “cập nhật” tiếng Anh thông dụng. Người dân Việt Hải háo hức làm du lịch với ước mơ biến ngôi làng của mình thành một “đảo du lịch” độc đáo trong nay mai.