Khu di tích Phượng Hoàng

Khu di tích Phượng Hoàng , Phường Văn An, Thị xã Chí Linh, Hải Dương


Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày nọ, trên bầu trời vùng đất Chí Linh bỗng xuất hiện đàn chim Phượng Hoàng 72 con đang tung cánh bay. Thấy cảnh sắc nơi đây non nước hữu tình, đàn chim đã không bay đi tiếp mà cùng đáp xuống và sau đó hóa thân thành dãy núi 72 ngọn.

Núi Phượng Hoàng từ lâu đã nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp như tranh vẽ với rừng thông bát ngát, suối chảy róc rách, chim hót líu lo, đặc biệt là 72 ngọn núi hình thế như 72 con chim Phượng Hoàng đang tung cánh. Bởi thế, sách “Chí Linh huyện sự tích” của Viện nghiên cứu Hán Nôm đã viết: “Quần sơn la liệt trận bày/ Tả hữu tung cánh, Phượng bay ngang  trời”. Các dãy núi ở đây kiến tạo thấp dần theo hướng đông bắc – tây nam, nối tiếp với đồng bằng phù sa và soi mình xuống sóng nước mênh mang của Lục Đầu Giang. Trên núi Phượng Hoàng còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Huyền Thiên cổ tự, Kỳ Lân cổ tự, Tinh Phi cổ tháp…, đặc biệt là quần thể di tích Phượng Hoàng gắn bó mật thiết với cuộc đời thầy giáo Chu Văn An gồm: đền Chu Văn An, điện Lưu Quang, Miết Trì, Giếng Son, khu lăng mộ.

Đền thờ Chu Văn An: Sau khi Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Tuy nhiên, trải qua sự nghiệt ngã của thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, đến những năm 80 của thế kỷ trước đền đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Trước thực trạng đó, những năm 90 của thế kỷ trước, được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND phường Văn An và ngành Giáo dục cùng bà con địa phương đã tiến hành một cuộc đại trùng tu và tôn tạo lại đền. Kết quả sau 2 giai đoạn trùng tu, giờ đây đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền thờ chính được xây dựng theo hình chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Chính giữa tiền tế đặt ban thờ công đồng, ngay phía sau là ban thờ gia tiên họ Chu, bên phải là ban thờ sơn thần núi Phượng Hoàng, bên trái là ban thờ các môn sinh của thầy. Trong hậu cung đặt tượng thờ thầy bằng đồng, nặng 100kg. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Các bức y môn sơn son thiếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”.

Điện Lưu Quang nằm cách đền Chu Văn An khoảng 100m về phía tây. Đây là công trình được kiến trúc hình chữ Đinh, theo kiểu “chồng diêm cổ các” 8 mái, đao cong tạo vẻ thanh thoát, uy nghi, bao gồm 5 gian, 2 dĩ chồng rường, đấu sen. Trong điện đặt tượng thầy giáo Chu Văn An và treo một bức đại tự “Vạn Sư thế biểu”. Trên bờ nóc, bờ đao, đầu bảy, mảng cốm, lá gió… đều được trang trí các họa tiết theo phong cách thời Trần – Lê như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng chầu phượng múa…

Miết Trì là ao nuôi ba ba nằm phía trước Điện Lưu Quang. Đây là nơi giúp du khách tưởng nhớ đến truyền thuyết về Thủy thần (thuồng luồng) vì quá ngưỡng mộ trí tuệ và tài năng của thầy Chu Văn An đã hóa thân thành người thường để được học chữ của thầy. Tuy nhiên, sau đó ngài đã phải hy sinh cả tính mạng để làm mưa giúp dân thoát khỏi hạn hán.

Khi khai quật Miết Trì, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 14-15.

Giếng Son (nay đã bị lấp) được các nhà nghiên cứu nhận định nằm ở phía đông đền Chu Văn An. Bởi vì, theo kết quả khảo cổ học, tại vị trí này có rất nhiều cục son.

Theo sách “Dư địa chí” của Phan Huy Chú và “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề cũng cho biết, núi Phượng Hoàng có loại son rất quý, màu đỏ tươi, được các đạo sĩ thời xưa coi là nguyên liệu tốt để luyện đan. Thầy giáo Chu Văn An và học trò thường lấy ống nứa cắm xuống đáy giếng, khi rút ống lên lấy được son mềm như bùn, đem phơi khô son rắn lại. Thầy giáo đã dùng những thỏi son này để viết những áng thơ, văn, chấm bài cho học trò. Nhiều người cảm mến đức độ của thầy thường đến xin thầy cho một chữ son.

Khu lăng mộ Chu Văn An tọa lạc ở một vị trí đẹp trên đỉnh phía đông của núi Phượng Hoàng, cách đền thờ chính khoảng 600m. Theo truyền thuyết địa phương, vị trí này chính là đầu chim Phượng – đỉnh cao của công lý và đức hạnh.

Khu lăng mộ có kiến trúc liền khối hình chữ nhật. Phần mộ được kè đá hình chữ nhật, kích thước 4x7m. Trang trí hoa văn ở đây tập trung khắc họa hình tượng cuốn sách và hai giải bút lông nhọn thể hiện cho đức nghiệp thanh cao, trong sáng vì sự nghiệp giáo dục đất nước của thầy Chu Văn An.

Khi đào đất trồng cây hoa bên mộ, người ta phát hiện nhiều bát đĩa thời Trần, trong đó có nhiều chiếc còn nguyên vẹn.

Giếng Ngọc nằm cách khu lăng mộ khoảng 50m về phía tây, đầy nước quanh năm và nước rất trong. Theo truyền thuyết địa phương, vị trí này chính là mắt chim Phượng. Du khách đến viếng mộ thầy, đều thưởng thức một ngụm nước giếng với tâm niệm khí thiêng sông núi nơi đây sẽ thấm nhuần vào cơ thể mình.