Đình Đa Ngưu - Đình trăm cột

Đình Đa Ngưu - Đình trăm cột , Xã Tân Tiến, Huyện Văn Giang, Hưng Yên


Theo truyền ngôn của các cụ cao niên thì làng Đa Ngưu "có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất". Chính giữa làng có địa thế cao đẹp, thoáng mát được truyền tụng là đất "Hình nhân quái bảng" nên dân làng đã cho xây dựng ngôi đình trăm cột. Ngôi đình có tuổi đời ngót 7 thế kỷ, mang phong cách kiến trúc thời Lý - Trần. Nhìn tổng thể đình Đa Ngưu có hình chữ " Sĩ" gồm hai tòa chính là tiền tế và hậu cung. Chữ " Sĩ" diễn giải ra có nghĩa là " học trò và người trí thức".  Dân gian xưa thường gọi là "đình trăm cột", bởi ngôi đình có 100 cây cột gỗ. Trước khi dựng đình, các thợ xa gần đều lắc đầu vì không thể dựng được một ngôi đình lớn như vậy. Đòi hỏi thiết kế ngôi đình gồm hai tòa vững chãi cân đối với đủ số cột 101, mà các xà cột đều phải dùng đố mộng, không được dùng đinh. Về sau, có một thợ đến nhận dựng đình nhưng chỉ xin dựng 100 cột còn 1 cây thì chẻ ra làm tông đục.Đình là nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong "Tứ bất tử" của linh thần trong tín ngưỡng văn hóa Việt Nam, cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa được phong Thượng tôn thần, Đẳng thiên tôn thần và Tây Sa công chúa được phong Nội trạch Tây cung công chúa huyền diệu tôn thần. Theo các tài liệu để lại, đình được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) theo hướng Đông Bắc. Thời nhà Nguyễn, năm Duy Tân tứ niên (1910) đình được trùng tu lại theo kiến trúc tiền Nhất hậu Đinh gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung. Ở các tòa, các con chồng, đấu, cốn đều được chạm trổ tinh vi. Đình Đa Ngưu là một ngôi đình đồ sộ còn khá hoàn chỉnh về kiến trúc và điêu khắc mỹ thuật.

Điểm nhấn tại ngôi đình chính là trăm cây cột gỗ lim được chạm trổ tinh xảo còn lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ý nghĩa hơn là trí tài hoa và thông minh của những người thợ Việt xưa, đã tạo tác dựng ngôi đình 100 cột bằng 101 cây gỗ. Bên cạnh đó, Đình còn được tô điểm bởi màu đỏ của gạch Bát Tràng ở sân, kế tiếp là hai trụ biểu xây cao nhìn thẳng ra giếng ngọc trong xanh.

Dạo bước sang cổng phụ phía bên phải có chữ " văn vi phú" ( có nghĩa là lấy sự dồi dào của văn là niềm tự hào sự giàu có tri thức của làng. Cổng bên trái có ghi " dân lạc điềm hy".Đình Đa Ngưu đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1995. Hàng năm, hội làng truyền thống diễn ra vào ngày 9,10,11/2 âm lịch các vị bô lão trong làng làm lễ tắm rửa cho các ngai trong điện thờ. Đến đây vào mùa hè, du khách sẽ cảm thấy thư thái bởi hương sen tỏa thơm ngát cùng với không gian tĩnh lặng giữa chốn linh thiêng và sự uy nghi của ngôi đình.