Đền thờ Chử Đồng Tử
Đền thờ Chử Đồng Tử thờ Đức thánh Chử Đồng Tử (một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng người Việt) và hai vị phu nhân Tiên Dung Công chúa và Tây Sa Công chúa. Nơi đây lưu truyền truyền thuyết về tình yêu và những chiến công của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như Triệu Quang Phục chống lại quân Lương; Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi chống quân Minh; nhiều phong trào khởi nghĩa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đức thánh Chử Đồng Tử được thờ ở cả hai đền Dạ Trạch và Đa Hòa, nằm ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cách nhau không xa. Hai đền này đều đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia. Nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân tại Đền Đa Hòa. Ảnh: khoaichau.hungyen.gov.vn Công trình kiến trúc khu Đền Đa Hòa (nơi Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung gặp nhau) gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu. Đây là kiến trúc đặc biệt nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung đang giăng buồm du ngoạn trên bến sông. Đền được xây dựng trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật. Bia đá có nội dung nói về thời điểm trùng tu đền Đa Hòa và cuộc nhân duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ngôi đền càng được tôn thêm vẻ đẹp nhờ sự cổ kính, rêu phong, các cây cổ thụ bốn mùa xanh tốt, khẳng định sự bất tử của đức thánh Chử Đồng Tử cũng như mối tình tuyệt mỹ của ngài. Ngoài kiến trúc độc đáo, đền Ða Hoà còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, điển hình như: 3 cỗ ngai thờ bằng gỗ. Đây được coi là những cỗ ngai cổ nhất còn tìm thấy ở nước ta hiện nay; đôi lọ Bách thọ bằng gốm có một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào… Đền Đa Hòa. Ảnh: viettraveler.com Đền Dạ Trạch (Đền Hóa), gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung, nằm sâu trong vùng đầm Dạ Trạch, không gian thoáng đãng. Phía sau đền vẫn còn giữ được một ít cây cổ thụ, tạo cho đền một vẻ đẹp thâm u, huyền bí, thoát tục. Đền Dạ Trạch. Ảnh: Báo Hưng Yên Lễ hội Chử Đồng Tử diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch để ghi nhớ công ơn của Đức Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung có công chữa bệnh giúp dân. Đây là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước. Lễ hội Chử Đồng Tử. Ảnh: Báo Hưng Yên Độc đáo nhất là lễ rước nước với sự tham gia của 10 con thuyền nối đuôi nhau ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh tại đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức ở cả hai đền, có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: chọi gà, đấu vật, đu bay, bịt mắt bắt dê, cầu kiều, đập liêu..., cùng với các loại hình nghệ thuật cổ truyền như: múa rồng, múa lân, ca trù, ả đào, hát đối, hát văn, quan họ,... Lễ rước nước trong Lễ hội Chử Đồng Tử. Ảnh: Báo Hưng Yên Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng cho nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hoài Nam